Đồng quản lý để bảo vệ bền vững rừng đặc dụng

ThienNhien.Net – Sáng 10/06/2010 tại Hạt Kiểm lâm huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái đã diễn ra hội thảo giới thiệu dự án “Sự tham gia của các tổ chức bảo tồn địa phương trong quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng”, do Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái tổ chức. Đây là bước khởi động cho hợp phần dự án kéo dài ba năm tại Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải và các xã vùng đệm.

 

Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải được thành lập năm 2006 với mục đích bảo vệ quần thể lớn nhất của loài vượn đen tuyền (Hylobates concolor ), một trong những loài linh trưởng hiếm vào bậc nhất thế giới, có phân bố rất hạn chế ở Tây Bắc Việt Nam và một số điểm ở Lào và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Khu bảo tồn này cũng là một trong số ít những khu rừng liền dải và chất lượng còn tương đối tốt ở Tây Bắc hiện nay, có tổng diện tích 20.293,1 ha nằm trên địa bàn 5 xã: Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải, Dế Xu Phình của huyện vùng sâu Mù Cang Chải. Đây cũng là vùng rừng đầu nguồn của thuỷ điện sông Đà.

 

Trong những năm trước đây, áp lực lên Khu bảo tồn Chế Tạo (nay là Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải) rất lớn, với nạn săn bắn dùng súng săn tự chế diễn ra phổ biến.  Ông Vũ Ngọc Tạo, Giám đốc Khu bảo tồn, cho biết trong đợt kiểm lâm ra quân tịch thu súng tự chế của người dân đưa về nhà máy gang thép Thái Nguyên để tái chế vừa qua, Mù Căng Chải là địa phương “đóng góp” số lượng nhiều hơn cả.

 

Nhờ các nỗ lực bảo tồn kéo dài suốt nhiều năm qua, nạn săn bắn và phá rừng đã có phần thuyên giảm. Nhưng để rừng được bảo vệ và phát triển bền vững, quan điểm của các nhà lãnh đạo địa phương đều thống nhất rằng phải giúp người dân sống dựa được vào rừng và có trách nhiệm với rừng.

 

Cho đến nay, Ban quản lý khu bảo tồn đã tiến hành giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích hơn 9.600 ha rừng, tuy nhiên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt về thủ tục hành chính và vấn đề đảm bảo quyền lợi công bằng cho các bên tham gia.

 

Theo ông Hoàng Văn Lâm, Giám đốc dự án, Mù Cang Chải cũng là khu bảo tồn của Việt Nam tiên phong trong việc xây dựng mô hình đồng quản lý, với sự đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật của FFI từ năm 2003.

 

Điểm nổi bật của mô hình này là bên cạnh Ban quản lý khu bảo tồn đại diện cho phía quản lý nhà nước, do tỉnh thành lập, còn có một Hội đồng Bảo vệ rừng. Hội đồng này có vai trò đại diện cho cộng đồng, hợp tác với Ban quản lý trong các vấn đề chia sẻ lợi ích, phân định trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng thông qua đàm phán.

 

Dự án được thực hiện trong thời gian tới đây sẽ là sự tiếp nối và thúc đẩy để mô hình đồng quản lý, hiện mới đang ở giai đoạn manh nha, trở thành hiện thực.  

 

Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, điều phối viên dự án, cho biết Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải là một trong ba điểm triển khai dự án, cùng đó là các khu bảo tồn thiên nhiên Khau Ca (Hà Giang) và Ngọc Sơn – Ngổ Luông (Hòa Bình).

 

Trên cơ sở thí điểm thiết lập các mô hình đồng quản lý rừng đặc dụng có sự tham gia của cộng đồng, dự án tiến tới thúc đẩy đổi mới chính sách cho quản lý hệ thống rừng đặc dụng nói chung trong cả nước.