Định hướng chiến lược trong thích nghi với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu hiện đang là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển. Các nước kém phát triển, các quốc đảo đang phát triển và các nước châu Phi, những nước ít tiềm lực nhất lại đang phải đối mặt với thách thức nan giải của biến đổi khí hậu. Vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu chính vì thế rất cần được quan tâm trong mọi chính sách hay kế hoạch phát triển. Kế hoạch định hướng biến đổi khí hậu gồm bồn bước dưới đây nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu này. Bằng cách “học tập thông qua thực tiễn”, kế hoạch này tập trung vào việc đảm bảo quá trình phát triển không gây ảnh hưởng đến khí hậu của từng quốc gia.

Hướng tới một quy trình phát triển hài hòa

Thiếu tài nguyên, nền giáo dục thấp kém, chính phủ hoạt động thiếu hiệu quả và cơ sở hạ tầng không tương xứng của xã hội là những nhân tố làm giảm khả năng thích nghi với ảnh hưởng khí hậu. Nhưng phát triển, nếu bền vững, có thể giảm nhẹ nguy cơ này. Vì vậy tiến trình thích nghi được xem như chìa khóa để phát triển – trong khi việc phát triển để nâng cao chất lượng cuộc sống và nguồn nhân lực trước sự biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên cần thiết đối với việc thích nghi thành công.

Cần có sự thỏa hiệp giữa biến đổi khí hậu và phát triển, đặc biệt khi hai vấn đề này đang được cho là không hề có liên quan. Chẳng hạn như những chiến lược phát triển kinh tế có thể làm tăng sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên liên quan đến khí hậu, hay có thể xảy ra tình trạng ghép đôi không cân xứng giữa các hoạt động thích nghi và ưu tiên phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Phát triển và thích nghi cần được tính toán song song. Nếu không, quá trình phát triển sẽ trở nên không phù hợp – những vấn đề nghiêm trọng không đáng có sẽ phát sinh – trong khi những chiến lược thích nghi và giảm nhẹ tác hại sẽ trở nên mâu thuẫn với những mục tiêu phát triển.

Một cách đảm bảo sự thống nhất giữa thích nghi và phát triển là thông qua những định hướng chiến lược. Điều này có nghĩa là hợp nhất các chính sách và biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch và định hướng phát triển theo từng giai đoạn. Phương pháp này sẽ đảm bảo tính bền vững lâu dài trong đầu tư và giảm thiểu những tác hại của hoạt động phát triển đối với biến đổi khí hậu.

Việc hợp nhất biến đổi khí hậu vào tiến trình phát triển là rất cần thiết bởi vì những vấn đề này có liên quan chặt chẽ với nhau. Ngân hàng thế giới ước tính rằng nếu không có sự thích nghi, giá trị thiệt hại do quá trình biến đổi khí hậu lên các nước đang phát triển có thể dao động từ vài phần trăm đến mười phần trăm GDP. Những thay đổi hướng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cũng bị đe dọa bởi sự thay đổi khí hậu. Ngân hàng thế giới ước tính hơn 40 phần trăm hoạt động phát triển được tài trợ bởi các tổ chức ngoại quốc và khoản vay ưu đãi có khả năng ảnh hưởng bởi thiên tai.

Phát triển bền vững làm giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, chính vì thế vai trò của việc hỗ trợ phát triển, củng cố khả năng thích nghi của những nước dễ bị ảnh hưởng chính là chìa khóa. Tiến bộ đi kèm với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ – giảm nghèo, cung cấp giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống tại khu vực nông thôn, mở rộng khả năng tiếp cận với nguồn vốn, thị trường và công nghệ – sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng triển khai các hoạt động thích nghi tại các khu vực dễ tổn thương.

Việc giảm thiểu những tác động tiêu cực mang lại kết quả tốt nhất khi nó là một phần của kế hoạch phát triển quốc gia, được phản ánh trên cả những chính sách và kế hoạch chiến lược. Vì vậy khả năng xây dựng một chỉnh thể hài hòa giữa biến đổi khí hậu và kế hoạch phát triển trên mọi phương diện trở nên rất quan trọng.

Định hướng chiến lược

Định hướng chiến lược có thể hiểu như việc sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững hơn là những chính sách kiểm soát khí hậu không đồng bộ. Tuy nhiên vẫn có rất ít người hiểu được thực sự phải định hướng thế nào trong thực tiễn. Một báo cáo của Học viện Tài nguyên thế giới có trụ sở tại Washington DC, Mỹ đã nhận định rằng chúng ta đang thiếu những phương pháp và khuôn mẫu cụ thể, đồng thời đưa ra 4 bước định hướng nhằm bổ sung cho sự khuyết thiếu này.

Bước một: nâng cao nhận thức

Chúng ta cần chú ý đến sự liên quan giữa vấn đề biến đổi khí hậu và tiến trình phát triển. Và trong một số trường hợp, biến đổi khí hậu cần được xem như ưu tiên hàng đầu.

Nêu lên những nguyên nhân của tình trạng dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu là một phần không thể thiếu trong bước đầu tiên. Điều này có thể dựa vào kinh nghiệm về thay đổi khí hậu tại các hộ gia đình, cộng đồng và vùng miền cũng như làm rõ nguy cơ ảnh hưởng do sự biến đổi và bất ổn định của khí hậu.

Những công cụ phân tích các số liệu về biến đổi khí hậu hiện thời cần được cải tiến nhằm cung cấp các thông tin có liên quan trực tiếp, đáng tin cậy và đặc biệt là có ý nghĩa đối với các nguy cơ mà con người phải đối mặt.

Công tác điều tra về biến đổi khí hậu một cách khoa học và có chuyên môn cũng rất cần thiết nhằm đảm bảo thông tin đưa ra là chính xác và có thể là cơ sở để đưa ra những chính sách và kế hoạch phát triển. Một phần của hoạt động này cũng nhằm giảm mức độ sử dụng các dữ liệu theo khuôn mẫu cũng như củng cố mạng lưới quan sát khí hậu ở quy mô địa phương và khu vực.

Bên cạnh đó, cần có sự liên hệ giữa thông tin và ảnh hưởng của thông tin đối với các nhà hoạch định chiến lược. Mới đây, một phân tích thực hiện tại châu Phi đã chứng minh rằng thông tin về khí hậu có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định ‘thông minh’. Tuy nhiên, thông tin này thường hiếm khi được sử dụng. Cải thiện hiệu quả nghiên cứu, nâng cao nhận thức về khí hậu và đưa ra các dữ kiện chứng minh cho các nhà hoạch định chính sách là rất cần thiết trong việc cân bằng mức độ ưu tiên cho vấn đề biến đổi khí hậu với tiến trình phát triển và củng cố khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bước hai: thông tin trúng đích

Thông tin khoa học cần được diễn giải theo cách mà tất cả mọi người, bao gồm các nhà hoạch định chiến lược, người lập kế hoạch, các tổ chức cộng đồng và tổ chức nghiên cứu có thể sử dụng. Kết hợp những dữ liệu này sẽ giúp củng cố mối liên hệ giữa tiến trình phát triển và hiệp định của LHQ về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, những nhân tố và tổ chức có liên quan cần có thái độ tiếp thu các ý tưởng ứng dụng thông tin khoa học. Điều này đòi hỏi sự đầu tư vào kiến thức chuyên môn trên tất cả cấp độ, đặc biệt là ở cấp độ vùng miền, với sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Chẳng hạn, tại một số khu vực châu Phi, sự yếu kém về thông tin khí hậu địa phương cùng với sự thất bại trong việc hợp nhất các nghiên cứu khí hậu vào chính sách và thực tiễn dẫn đến tình trạng những lợi ích từ hệ thống cảnh báo sớm và những tiến bộ trong khoa học khí hậu không thể đến tai các nhà hoạch định chiến lược.

Vì vậy, cùng với những thông tin và công nghệ mới để thích nghi với biến đổi khí hậu, những tiến trình cần được phát biểu, phổ biến, ủng hộ, đón nhận và đưa vào cân nhắc. Các kênh thông tin cùng diễn đàn hỗ trợ thông tin và kỹ năng cũng cần được nâng cao.

Bước ba: hoạt động thí điểm

Trong giai đoạn này, các hoạt động thích nghi và giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do các tổ chức chính phủ và phi chính phủ cũng như thành phần tư nhân khởi xướng cần được thí điểm để vận hành tốt. Các nhà hoạch định kế hoạch và chính sách cần được thuyết phục về sự liên quan giữa biến đổi khí hậu với công việc của họ và có thể rút kinh nghiệm từ các kết quả thử nghiệm.

Bangladesh là một trường hợp điển hình. Mặc dù công tác nghiên cứu đã cho thấy những ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu, nhưng mãi sau khi trải qua ba trận thiên tai khủng khiếp trong vòng 2 năm thì các chính trị gia mới nhận thức được tầm quan trọng của nhà ở chống thiên tai. Vì vậy những nhà quản lý và lập kế hoạch cần được hỗ trợ để cân bằng và thống nhất trong vấn đề ưu tiên giữa công tác giảm nhẹ nguy cơ và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Bước bốn: Định hướng chiến lược

Việc củng cố khả năng ứng phó cần được đưa vào chính sách nhằm đảm bảo những bài học từ bước 1 đến bước 3 được ứng dụng trong tiến trình hoạch định chính sách. Vấn đề này, trên quy mô quốc gia và khu vực, cần được tiến hành cùng với bước một để chắc chắn rằng những đơn vị cần thiết đều có liên quan trong toàn bộ tiến trình. Tuy nhiên, cần phải mất một vài năm trước khi toàn bộ những bài học từ bước một đến bước ba được định hướng hoàn toàn.

Ngay khi nhận thức và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng cao, chúng ta có thể bắt đầu thống nhất các kế hoạch phát triển quốc gia, khu vực và địa phương. Trên quy mô quốc gia, các chương trình tích hợp hai mục đích có thể hỗ trợ tiến trình kết hợp những ưu tiên về biến đổi khí hậu vào các chiến lược phát triển quốc gia, ví dụ như đối với Kế hoạch chiến lược giảm nghèo. Nên đặt ra giai đoạn thống nhất những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu trên quy mô địa phương và vùng miền trên cơ sở rằng những kế hoạch phát triển nằm dưới quy mô quốc gia cần được gắn liền với những ưu tiên phát triển đất nước.

Thích nghi với biến đổi khí hậu: trường hợp cơn lốc Sidr

Bangladesh là một trong những đất nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự biến đổi khí hậu, thường xuyên bị tàn phá bởi lũ lụt và lốc xoáy. Song nhờ có hệ thống cảnh báo sớm, các hoạt động thích nghi triển khai kịp thời rất nhiều mạng người đã được cứu sống trong các thảm thọa thiên nhiên. Khả năng này vô cùng quan trọng đối với một khu vực mà thời tiết xấu ngày càng diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn do quá trình biến đổi khí hậu.

Cơn lốc Sidr – một trong những cơn lốc mạnh nhất từng xảy ra tại vịnh Bengal – đã tàn phá Bangladesh vào tháng 11 năm 2007. Tuy nhiên chính phủ đã có chuẩn bị nhờ công nghệ dự báo sớm cung cấp thông tin về hướng đi và sức gió của cơn lốc từ 72 giờ trước đó. Một hệ thống quan sát mà đứng đầu là Tổ chức Khí tượng Thế giới đã bắt đầu gửi số liệu tới văn phòng khí tượng Ấn Độ tại New Dehli. Thông tin được truyền đến chính quyền tại Dhaka, sau đó được chuyển đến văn phòng Trăng lưỡi liềm đỏ. Khoảng 40 nghìn tình nguyện viên Trăng lưỡi liềm đỏ đã tổ chức phổ biến thông tin đến 15 khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên khắp đất nước, sử dụng loa để ra lệnh cho cư dân di tản đến 1800 địa điểm tránh lốc và 440 địa điểm tránh lũ. Khi cơn lốc Sidr hoành hành, hai triệu người đang ở nơi trú ẩn an toàn.
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ ước tính số lượng người chết khoảng từ 5 đến 10 nghìn người. Một cơn lốc với sức gió tương tự vào năm 1991 đã làm 190 nghìn người thiệt mạng. Sự kết hợp giữa thông tin công nghệ cao và các phương pháp phổ biến thông tin thô sơ đã khiến thông tin được lan truyền xa hơn. Điều này cũng chứng tỏ vai trò của nhân tố trung gian và sự phối hợp. Hệ thống hoạt động này có kết nối với chương trình hoạt động xuyên biên giới chuyên hỗ trợ cho công tác chuẩn bị đối phó, cứu trợ và khắc phục thiên tai do Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu EU tài trợ.

(Theo Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Bangladesh)