Cuộc Cách mạng Các-bon hiện đại

ThienNhien.Net – Theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, thế giới cần có một cuộc cách mạng tương tự như cuộc Cách mạng Công nghiệp để có thể tạo ra những bước đột phá trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Nhưng chúng ta vẫn phải duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế – đó là cuộc Cách mạng Các-bon hiện đại.

Theo nghiên cứu của tổ chức này, cuộc Các mạng Các-bon hiện đại phải đảm bảo đến năm 2050, số lượng hàng hoá sản xuất ra trên mỗi tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính (chủ yếu do đốt nhiên liệu hoá thạch) phải tăng thêm gấp 10 lần – tức là tăng lợi ích kinh tế nhưng phải giảm lượng khí phát thải một cách tối ưu nhất.

Cuộc cách mạng này phải tương tự như việc tăng năng suất lao động trong cuộc Cách mạng Công nghiệp diễn ra vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.

Người ta ước tính rằng, vào năm 2050, thế giới cần phải tạo ra 7.300 USD GDP/1 tấn khí CO2 thải ra môi trường, so với con số 740 USD như hiện nay. Tăng gấp 10 lần năng suất các-bon trong vòng 50 năm sẽ là một thử thách lớn nhất từ trước tới nay mà loài người phải đối mặt. Nhưng lịch sử và những đòi hỏi kinh tế khiến chúng ta có thể tự tin sẽ đạt được điều này.

Trong nghiên cứu của McKinsey cũng cho biết, hầu hết các công nghệ đều đã có, từ cách nhiệt trong xây dựng tới thế hệ than sạch hơn để cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của thế giới ở mức 64%. Hay nói một cách khác là chúng ta có thể giảm từ 55 tỉ tấn khí thải năm 2008 xuống còn 20 tỉ tấn vào năm 2050. Tuy nhiên, sự cắt giảm này không dễ dàng đối với nhiều quốc gia, trước đây Mỹ và Nga là những nước kịch liệt phản đối mục tiêu cắt giảm lượng 50% khí thải các-bon vàp năm 2050, nhưng giờ họ đã có một cái nhìn khác.

Nghiên cứu trên đã ước tính rằng, chi phí cho một cuộc Cách mạng Các-bon sẽ có thể kiểm soát được ở mức 0,6 – 1,4% GDP toàn cầu vào năm 2030. Một số lượng lớn chi phí có thể được tăng lên thông qua việc vay mượn mà không gây bất kỳ hậu quả nào đối với sự tăng trưởng.

Những ước tính về chi phí này tương tự như những ước tính của Liên Hiệp Quốc, trong đó nói rằng nhiệt độ tăng sẽ kéo theo những đợt nóng chưa từng có, những trận bão tàn khốc hơn, hạn hán và sa mạc hoá gia tăng, mực nước biển ngày càng dâng cao.

McKinsey tin tưởng rằng, tốc độ thay đổi của cuộc cách mạng này sẽ nhanh hơn so với cuộc Cách mạng Công nghiệp diễn ra vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Theo những tính toán của họ, nếu cuộc Cách mạng Các-bon xảy ra thì mức tăng năng suất lao động của Mỹ sẽ tăng gấp 10 lần trong vòng 42 năm (từ năm 2008 đến 2050) so với mức tăng 10 lần trong vòng 125 năm (từ năm 1830 đến 1955) trước kia.

Thế giới cũng có thể tiết kiệm một lượng lớn năng lượng tiêu thụ thông qua các biện pháp như việc cải tiến những tòa nhà cách biệt. Và những công nghệ mới như biện pháp chôn lấp CO2 thải ra từ các nhà máy nhiệt điện tại các nước có thể làm giảm sự phát thải khí. Nghiên cứu đó cũng nhấn mạnh đến việc thế giới cần dành nhiều đầu tư hơn vào công tác nghiên cứu và phát triển, có lẽ khoảng 80 tỉ đô la một năm vào năm 2050.

Chỉ đổi mới công nghệ và đưa ra các biện pháp mới chưa đủ. Cần phải có một sự thay đổi trong thái độ của các nhà quản lý và người tiêu dùng, một phần thông qua việc chia sẻ công nghệ sạch. Ngoài ra, cần nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng và trồng thêm nhiều cây xanh để giúp hấp thụ CO2 trong quá trình phát triển.