Tạp chí Nature vừa công bố một nghiên cứu cho thấy sự mất đa dạng sinh học là nguyên nhân môi trường lớn nhất gây ra các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, khiến các dịch bệnh này trở nên nguy hiểm và lan rộng hơn.
Con người đang làm cho hành tinh trở nên nóng hơn, ô nhiễm hơn và ít thân thiện hơn với nhiều loài, và những thay đổi này đang thúc đẩy sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.
Theo các nhà khoa học, khí hậu ấm nóng hơn, ẩm ướt hơn có thể mở rộng phạm vi của các loài vectơ như muỗi, trong khi mất môi trường sống có thể đẩy các loài động vật mang mầm bệnh tiếp xúc gần hơn với con người.
Các bệnh truyền nhiễm mới đang ngày càng gia tăng và thường bắt nguồn từ động vật hoang dã. Phân tích trên tạp chí Nature chỉ rõ, theo các nhà nghiên cứu, trong số tất cả các “biến đổi toàn cầu” đang phá hủy hệ sinh thái, việc mất đi các loài là nguyên nhân lớn nhất làm tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Mất đa dạng sinh học sẽ kéo theo biến đổi khí hậu và du nhập các loài không bản địa.
Theo Giáo sư Jason Rohr, trưởng nhóm nghiên cứu từ Đại học Notre Dame (Mỹ), các chuyên gia đã phân tích gần 1.000 nghiên cứu về những nguyên nhân môi trường trên phạm vi toàn cầu gây ra bệnh truyền nhiễm, ở tất cả các châu lục ngoại trừ Nam Cực, qua đó làm rõ thông điệp là sự mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và các loài du nhập đang làm gia tăng các dịch bệnh.
Thực tế, sự quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật đã tăng lên kể từ đại dịch COVID-19 – dịch bệnh mà một số nhà nghiên cứu cho rằng đến từ loài dơi. Nhiều dịch bệnh khác hiện đang gây báo động cho các cơ quan y tế toàn cầu, trong đó có cúm lợn và cúm gia cầm – cũng có nguồn gốc từ động vật hoang dã. 3/4 số bệnh mới nổi ở người là bệnh lây từ động vật sang người, đồng nghĩa rằng chúng cũng lây nhiễm sang động vật hoang dã và vật nuôi trong nhà.
Trước những lo ngại này, các nhà nghiên cứu cho rằng càng cần phải giảm lượng phát thải khí nhà kính, giảm mất đa dạng sinh học và ngăn chặn các loài xâm lấn, bởi đây được xem là những động thái hữu ích có thể giúp kiểm soát và làm giảm gánh nặng bệnh tật.
Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu hy vọng những phân tích này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực kiểm soát, giảm thiểu và giám sát dịch bệnh trên toàn cầu.