Xử lý nghiêm hành vi mua bán, gây nuôi động vật hoang dã trái phép

Dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán, tình hình mua bán động vật hoang dã (ĐVHD) tăng cao, phục vụ nhu cầu nuôi làm thú cưng, thực phẩm, làm thuốc. Điều này khiến một số loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm bị săn lùng, vận chuyển, mua bán phức tạp. Mới đây, lực lượng chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực này.

Mua bán rùa bị xử phạt gần 350 triệu đồng

Chuyên kinh doanh chuột bạch Hamster cùng các loại đồ chơi, phụ kiện đi cùng, nhưng cuối năm, C.V.C, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên còn mua bán thêm cả rùa. Không chỉ bày bán ở cửa hàng, C còn công khai rao bán rùa trên mạng xã hội mà không biết đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Qua nắm bắt thông tin và trinh sát, lực lượng chức năng đột xuất kiểm tra cửa hàng “Xứ sở thú cưng” của C.V.C. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này có 5 cá thể rùa nước ngọt đốm đen, thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không có hồ sơ hợp pháp.

Hành vi này vi phạm Điểm c, Khoản 14, Điều 23 Nghị định số 35 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp (được sửa đổi, bổ sung tại Điểm a, Khoản 14, Điều 1 Nghị định số 07/2022 của Chính phủ).

Lực lượng chức năng đã củng cố hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 345 triệu đồng đối với chủ cơ sở kinh doanh là C.V.C; tịch thu tang vật vi phạm là 5 cá thể rùa nước ngọt đốm đen giao cho Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định.

Chủ cơ sở “Xứ sở thú cưng”, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên bị xử phạt gần 350 triệu đồng do có hành vi mua bán cá thể rùa nước ngọt đốm đen.

Việt Nam là quốc gia giàu có về tài nguyên rùa với 32 loài bản địa (đứng thứ 9 trong tổng số 29 quốc gia có mức độ đa dạng rùa cao nhất thế giới, chiếm 9% tổng số loài rùa của thế giới và 36% loài rùa phân bố tại châu Á). Tuy nhiên, đến nay, có tới 29 loài rùa (chiếm 90,6%) đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau.

Nhiều loài rùa được công khai mua bán trên mạng.

Trong đó, buôn bán trái phép là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nguy cấp của các loài rùa bản địa. Điều này đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với công tác bảo tồn rùa trước nạn buôn lậu ĐVHD đang diễn biến hết sức phức tạp.

Từ trứng, thịt, mai, con non tới cá thể trưởng thành, các bộ phận cơ thể rùa đều bị khai thác triệt để phục vụ nhu cầu thực phẩm, làm thuốc, thú cưng và đồ trang sức, trang trí. Việc quản lý, kiểm soát và thực thi pháp luật với các hành vi này gặp nhiều khó khăn. Trong khi nhiều loại rùa được đưa vào nhóm chế độ quản lý loài, thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Theo quy định, tất cả các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đều bị xử lý với mức phạt rất nghiêm khắc. Cụ thể, mức tối đa đối với các hành vi này được quy định trong Bộ luật Hình sự lên tới 15 năm tù, hoặc phạt tiền 2 tỷ đồng đối với cá nhân, 15 tỷ đồng đối với tổ chức.

Do đó, với những người đã và đang có ý định mua bán rùa với bất kỳ mục đích gì cần nắm bắt đầy đủ thông tin, kiến thức để không vi phạm pháp luật, hoặc thiệt hại lớn về tài chính vì sự chủ quan, thiếu hiểu biết.

Xử lý nghiêm việc chăn nuôi ĐVHD không đăng ký mã cơ sở

Cũng liên quan đến ĐVHD, mới đây, lực lượng chức năng đã vào cuộc, xử phạt vi phạm hành chính một chủ cơ sở nuôi động vật rừng ở xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện ông T.V.P nuôi 27 cá thể ĐVHD, trong đó có 23 cá thể cầy vòi hương, 4 cá thể cầy vòi mốc, thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc hợp pháp nhưng không đăng ký mã cơ sở nuôi.

Nhờ có một số tình tiết giảm nhẹ như tự nguyện khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính, cũng như mức độ vi phạm, cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt 2 triệu đồng đối với ông T.V.P.

Lực lượng chức năng kiểm tra 1 cơ sở gây nuôi ĐVHD tại huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Thế Hùng

Gây nuôi ĐVHD được pháp luật cho phép với mục tiêu phát triển kinh tế, giảm áp lực lên các quần thể ĐVHD ngoài tự nhiên, hỗ trợ công tác bảo tồn loài trong môi trường hoang dã thông qua việc duy trì nguồn gen động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, các cơ sở gây nuôi thương mại hiện nay ít chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất, kỹ thuật nuôi.

Mặt khác, kiến thức về sinh thái, đặc tính sinh sản, vấn đề an toàn sinh học đối với những loài này đối với các chủ cơ sở chăn nuôi cũng rất hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng lai tạp, ô nhiễm nguồn gen cho động vật nuôi trong trang trại, không đảm bảo an toàn sinh học, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các loài vật nuôi khác. Chưa kể vấn đề dịch bệnh từ các loài này phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Để tăng cường phòng, chống buôn bán trái phép ĐVHD, thời gian qua, các cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố đã tăng cường phối hợp trong công tác xử lý vi phạm hành chính cũng như điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng cầm đầu và đường dây tội phạm.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về các hành vi mua bán bất hợp pháp, mức xử lý vi phạm cũng như rủi ro về dịch bệnh, ảnh hưởng sức khoẻ khi tiếp xúc với ĐVHD nhằm giảm nhu cầu sử dụng, tiêu thụ bất hợp pháp, nhất là các loài nằm trong danh mục nguy cấp, quý, hiếm.

Bài, ảnh: Hà Trần

Nguồn: