Nếu làm hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận, mất bao lâu để trồng lại 1.844 ha rừng?

Theo các nhà khoa học, trồng rừng hỗn giao nhiều tầng bằng các loài bản địa thì cũng phải mất thời gian khá dài (50-100 năm) mới có thể có được cánh rừng gần giống như hiện nay.
Liên quan đến vụ tỉnh Bình Thuận sẽ lấy hơn 600 ha rừng tự nhiên tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam để làm hồ chứa nước đã làm dư luận “dậy sóng”. Nhiều câu hỏi liên quan đến việc trồng hơn 1.844 ha rừng để bù diện tích rừng đã mất liệu Bình Thuận có làm được không? Bằng cách nào? Giả sử tỉnh này trồng được thì phải mất bao lâu? Rừng trồng sẽ khác gì so với rừng tự nhiên? Pháp Luật TP.HCM đã tìm lời giải đáp qua trao đổi với các chuyên gia về rừng.

Sự khác nhau giữa rừng tự nhiên và rừng trồng

Theo TS Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng bộ môn Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, hệ sinh thái rừng tự nhiên có cấu trúc đa tầng, phức tạp, gồm nhiều tầng cây gỗ, cây bụi, cỏ quyết và thực vật ngoại tầng như dây leo, thực vật phụ sinh, thực vật ký sinh.

Rừng tự nhiên có thành phần đa dạng sinh học cao. Chức năng của rừng tự nhiên là bảo tồn nguồn gen, duy trì sự cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu, bảo vệ đất và nguồn nước, cung cấp các sản phẩm lâm nghiệp và các dịch vụ sinh thái khác.

Trong khi đó, rừng trồng có cấu trúc đơn giản, chỉ gồm một tầng cây gỗ thuộc cùng một loài hoặc ít loài. Rừng trồng chỉ gồm một hoặc ít loài cây gỗ và ít loài động vật, vi sinh vật liên quan. Rừng này chỉ có một loài cây gỗ được trồng theo một quy hoạch nhất định, thường là để cung cấp gỗ và một số sản phẩm lâm nghiệp khác. Do đó, rừng trồng không có nhiều không gian sống cho các loài động vật, vi sinh vật và thực vật ngoại tầng nên khả năng chống lũ, giữ đất, giữ nước kém.

Cũng vì những đặc điểm như trên mà GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đánh giá rừng tự nhiên có khả năng giữ nước rất tốt. “Mất rừng là mất đi các gen giống, cây giống, các loài sinh vật giống. Do đó, khi đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì cần phải đánh giá về mặt sinh học, động vật, thực vật… Nếu mất rừng đặc dụng là mất đi nguồn giống tốt” – ông Hồng nói.

TS Đào Phú Quốc, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững và đa dạng sinh học, Viện Môi trường và tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng tính đa dạng sinh học là yếu tố quan trọng nhất của công tác bảo tồn hiện nay. Rừng tự nhiên thì không chỉ là cây lấy gỗ mà còn nhiều loài cây làm thuốc, làm mỹ phẩm và các sản phẩm khác. Rừng cũng cung cấp nơi ở, nguồn thức ăn và cả thuốc cho các loài động vật trong rừng. Ngược lại, các loài động vật trong rừng cũng giúp cân bằng và ổn định sự phát triển của rừng.

Trong vùng lõi của rừng, vị trí làm dự án hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: VÕ TÙNG

Cần hơn 50 năm để khôi phục

TS Đinh Quang Diệp cho biết việc phải trồng rừng thay thế gấp ba lần diện tích rừng mất đi, theo Luật Lâm nghiệp là đương nhiên. Tuy nhiên, để diện tích rừng mới này có thể phát huy tác dụng giữ đất, giữ nước, bảo vệ môi trường thì cần thời gian rất dài và hiệu quả của nó sẽ không thể nào giống như diện tích rừng tự nhiên hiện có được.

“Trong điều kiện khô hạn như ở vùng của dự án mà hình thành và tồn tại một khu rừng như hiện nay là điều kỳ diệu. Nên nhớ rằng rừng nhiệt đới trong môi trường khô hạn có những giá trị độc đáo về sinh thái không tìm thấy ở những loại rừng khác và không thể tái tạo một khi đã phá bỏ” – TS Diệp đánh giá.

Tính toán giải pháp thay thế việc bỏ rừng

Chính vì những giá trị của rừng tự nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Bình Thuận có thể tính toán giải pháp thay thế khác để vừa có thể có nước phục vụ cho người dân, vừa có thể giữ được rừng tự nhiên.

GS-TS Vũ Trọng Hồng đề xuất hồ Ka Pét nếu không làm vẫn có giải pháp có nước cho vùng này bằng cách chuyển nước từ hồ La Ngà 3 về sông Bà Bích và làm đập dâng hạ lưu thì sẽ thay hồ Ka Pét để phục vụ nước cho người dân. Ngoài ra, chúng ta còn có thể chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông nghiệp từ những giống cây cần nhiều nước sang những giống cây cần ít nước.

“Hồ Ka Pét nhỏ được thiết kế điều tiết nhiều năm có nghĩa có năm có nước, có năm không có nước, với những năm không có nước thì không thể cấp nước cho người dân và phục vụ sản xuất. Do vậy phải dùng giải pháp khác” – ông Hồng nói.

TS Đinh Quang Diệp cũng đánh giá thêm khi tiến hành thực hiện dự án, cần tham vấn các chuyên gia về từng lĩnh vực trong đánh giá tác động môi trường của dự án này.

“Một số giải pháp đã được đề xuất tôi cho là hiệu quả mà chúng ta cần tham khảo là việc sử dụng hiệu quả và tận dụng các hồ tự nhiên, nhân tạo nhỏ hơn hiện có ở các vị trí khác. Ngoài ra là giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp, ít có nhu cầu về nước hoặc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt) của Israel trong nông nghiệp cũng đã được các chuyên gia đề xuất” – TS Diệp nói.

TS Diệp nói thêm việc trồng rừng hỗn giao nhiều tầng bằng các loài bản địa thì cũng phải mất thời gian khá dài (50-100 năm) mới có thể có được cánh rừng gần giống như hiện nay. Ngay cả khi trồng rừng hỗn giao thành công thì các chức năng của rừng mới cũng không thể so sánh được với rừng tự nhiên.

Đồng quan điểm, GS-TS Vũ Trọng Hồng cho rằng một khu rừng bị mất đi nếu trồng lại có thể tốn ít nhất 50 năm sau mới có thể giữ được nước. Do đó, khi hồ Ka Pét tại Bình Thuận được xây dựng, nếu trồng lại cũng phải tốn ít nhất 50 năm nữa thì rừng được trồng lại mới cho nguồn nước.•

“Giá trị của rừng tự nhiên là rất lớn so với rừng trồng”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Đỗ Văn Thông, Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ (là đơn vị thực hiện kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp thuộc dự án hồ chứa nước Ka Pét), cho biết tổng trữ lượng gỗ (với những cây có đường kính từ 6 cm trở lên) khu vực điều tra là 97.527 m3, trong đó rừng tự nhiên là 97.251,1 m3 và rừng trồng là 275,9 m3.

Để điều tra, xây dựng bản đồ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, phân viện đã sử dụng phương pháp giải đoán ảnh vệ tinh bằng các phần mềm chuyên dụng kết hợp với điều tra bổ sung trên thực địa.

Từ đó xây dựng được bản đồ và tính toán được diện tích các trạng thái rừng và đất lâm nghiệp trong vùng dự án phân theo loại rừng, phân theo đơn vị quản lý hành chính cấp xã, phân theo đơn vị chủ rừng là tổ chức, phân theo đối tượng rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất và ngoài ba loại rừng).

Theo đó, khu vực thực hiện dự án có năm trạng thái rừng tự nhiên, trong đó mật độ cây gỗ của các trạng thái rừng tự nhiên lá rộng rụng lá trên 500 cây/ha. Mật độ của các trạng thái rừng hỗn giao gỗ – tre nứa và hỗn giao tre nứa – gỗ mật độ dưới 400 cây/ha. Ưu thế nhiều nhất là các loài: bằng lăng, căm xe, sổ, cóc rừng, thẩu tấu, dầu đồng… Kết quả tính toán từ 96 ô tiêu chuẩn bắt gặp được hai loài quý, hiếm trong Sách đỏ Việt Nam là giáng hương, sơn điều.

Đoàn công tác của Sở NN&PTNT khảo sát khu vực làm dự án tại rừng Sông Móng – Ka Pét ngày 6-9. Ảnh: VÕ TÙNG

Bên cạnh đó còn một số loài cây thuộc gỗ nhóm I, II như cẩm liên, căm xe, cà chắc, sến cát, xây…

Ngoài ra, theo kết quả tính toán từ 96 ô tiêu chuẩn điều tra điển hình có diện tích 1.000 m2/ô với 4.262 cá thể cây gỗ được đo ghi nhận được có tổng 78 loài, thuộc 62 chi, 35 họ thực vật. Ông Thông cho biết: “phân viện là đơn vị tư vấn chuyên ngành, có trách nhiệm đánh giá hiện trạng rừng nên hiện trạng có sao chúng tôi đánh giá vậy để địa phương và các bên nắm rõ trước khi xem xét triển khai dự án. Còn việc sử dụng kết quả này để triển khai dự án là trách nhiệm và thẩm quyền thuộc về địa phương và các cấp có thẩm quyền”.

“Tuy nhiên, xét về góc độ khoa học, nếu phải chuyển đổi một diện tích lớn rừng tự nhiên thì rất tiếc vì vai trò và giá trị của rừng tự nhiên là rất lớn so với rừng trồng, đặc biệt là chức năng bảo tồn đa dạng sinh học và chức năng phòng hộ. Liên quan đến việc phải chuyển đổi diện tích rừng này để làm dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy, các bên cần xem xét, đánh giá, cân nhắc ở mọi góc độ để dự án đáp ứng được mục tiêu và mang lại hiệu quả cao nhất đối với địa phương, cả nước và toàn xã hội” – TS Thông nói.