ADB công bố Quỹ Tài chính Đổi mới cho Khí hậu ở ASEAN  

Theo báo cáo từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ASEAN cần 2.800 tỉ USD giai đoạn 2023 – 2030 để duy trì tăng trưởng, giảm nghèo và chống biến đổi khí hậu.
Đông Nam Á – khu vực dễ tổn thương do biến đổi khí hậu

Báo cáo của ADB được thực hiện với sự hợp tác của 10 thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN +3).

Tại cuộc họp thường niên lần thứ 56 của ADB diễn ra từ ngày 2 đến 5-5, ADB nhận định, phát triển kinh tế, đô thị hóa và gia tăng dân số dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn giữa chi tiêu và tài chính cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, lạm phát, đại dịch COVID-19, thiên tai và tác động bất lợi của biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm nhu cầu và chi phí phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.

Bởi vậy, để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng ADB khuyến nghị các chính phủ và cơ quan quản lý khu vực nên tiếp cận một cách sáng tạo để thu hút vốn tư nhân và tổ chức, bên cạnh các quỹ công.

Theo ADB, thu hẹp khoảng cách tài chính cơ sở hạ tầng là khó khăn, nhưng không phải là không thể. Ước tính hiện có hơn 200 nghìn tỷ USD vốn tư nhân đầu tư vào thị trường vốn toàn cầu.

Mô hình “1 USD vào, 5 USD ra” của ADB

Cũng tại cuộc họp, ADB công bố IF-CAP (Quỹ tài chính đổi mới cho khí hậu ở châu Á – Thái Bình Dương). Đây được đánh giá là chương trình mang tính bước ngoặt để hỗ trợ chống biến đổi khu vực.

Chủ tịch ADB ông Masatsugu Asakawa khẳng định châu Á – Thái Bình Dương là “tuyến đầu trong trận chiến” với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch ADB ông Masatsugu Asakawa. Ảnh: YONHAP

“Các hiện tượng khí hậu mà chúng ta trải qua trong 12 tháng qua gia tăng về cường độ và tần suất. Vì vậy, chúng ta phải hành động mạnh mẽ ngay bây giờ. IF-CAP là một chương trình sáng tạo thú vị sẽ có tác động thực sự” – ông Asakawa nói.

Các đối tác ban đầu của IF-CAP là Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Mỹ. Các nước này sẽ đảm bảo một số khoản vay của ADB, chia sẻ các khoản lỗ trong trường hợp các bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Trong sáng kiến IF-CAP, mô hình “1 USD vào, 5 USD ra” có tham vọng ban đầu là 3 tỷ USD bảo lãnh có thể tạo ra khoản vay mới lên tới 15 tỷ USD cho các dự án khí hậu rất cần thiết trên khắp châu Á – Thái Bình Dương, hay mỗi USD được bỏ vào sẽ tạo ra 5 USD cho các dự án liên quan tới biến đổi khí hậu.

Đây là một cơ chế đảm bảo đòn bẩy cho tài chính khí hậu chưa từng được một ngân hàng phát triển đa phương nào áp dụng trước đây.

Khoản tài trợ của IF-CAP sẽ góp phần thực hiện tham vọng về 100 tỉ USD từ nguồn lực của ADB cho biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2019 – 2030.