Trung Quốc tăng cường sử dụng điện than bất chấp các cam kết về trung hòa carbon

Đặt mục tiêu trung trung hòa carbon vào năm 2060, nhưng hiện tại Trung Quốc vẫn xem điện than là nguồn năng lượng chính của quốc gia.

Hãng The Guardian đưa tin Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt nhiều nhà máy điện than mới trong quý I/2023. Theo số liệu dẫn chứng, số lượng nhà máy được phê duyệt trong 3 tháng đầu năm này thậm chí nhiều hơn so với năm 2021. Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace cho biết  từ tháng 1-3/2023 có ít nhất 20,45 GW điện than đã được thông qua, tăng từ mức 8,63 GW cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó cả năm 2021 chỉ 18 GW điện than được phê duyệt.

Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt nhiều nhà máy điện than mới trong quý I/2023. Ảnh: The Guardian.

Ở thời điểm Trung Quốc phải trải qua mùa đông khắc nghiệt, Chính phủ đã quyết định chuyển từ chính sách cắt giảm than đá sang ưu tiên tập trung nguồn năng lượng để sưởi ấm cho người dân. “Động thái này có thể gây một lầm tưởng rằng xây dựng nhiều nhà máy điện than có thể đảm bảo an ninh năng lượng được bảo toàn. Thậm chí sẽ dẫn đến biến đổi khí hậu trong tương lai nếu thải ra ngoài môi trường quá nhiều khí CO2”, bà Xie Wenwen, nghiên cứu khí hậu và năng lượng tại Greenpeace nhận định.

Trước đó vào năm 2016, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, Chính phủ Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cắt giảm sử dụng than đá, phát triển các nguồn năng lượng sạch. Năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình từng cam kết Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.​ Tuyên bố của ông Tập đã bước đầu đưa Trung Quốc bước vào kỷ nguyên cắt giảm điện than nhưng vẫn giữ nền kinh tế phát triển ổn định.

Tuy nhiên khi Kế hoạch 5 năm kết thúc vào năm 2020, số lượng phê duyệt nhà máy điện than lại tăng lên. Năm 2021, Trung Quốc bị mất điện trên diện rộng, điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến các thay đổi trong chính sách phát triển năng lượng của Chính phủ nước này. Tháng 9/2021, giá điện ở đất nước tỉ dân tăng vọt khi các nhà máy phải mở cửa hoạt động trở lại để phục vụ cho nhu cầu của người dân phải ở nhà vì đại dịch COVID-19. Các nhà máy điện không thể sản xuất điện kịp thời để cung cấp cho các hộ gia đình, dẫn đến sự kiện mất điện trên diện rộng.

Các nhà nghiên cứu lập luận rằng để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc, điều cần thiết không phải là sử dụng nhiều than đá mà là một mạng lưới linh hoạt hơn. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, các công nghệ lưu trữ năng lượng sạch hiện nay “vẫn chưa đủ năng lực” để có thể trở thành yếu tố thiết yếu trong kế hoạch mở rộng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo của Chính phủ Trung Quốc.

Hơn 75% tài nguyên than, gió, năng lượng mặt trời và thủy điện của nền kinh tế thứ 2 thế giới nằm ở phía Tây đất nước, trong khi hơn 70% lượng điện tiêu thụ là ở miền Trung và miền Đông. 5 tỉnh ở bờ biển phía Đông chiếm gần 2/5 tổng lượng tiêu thụ điện của Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách hiện vẫn chưa tìm ra giải pháp tái cân bằng hiệu quả vấn đề này.

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (giai đoạn 2021-2025), Chính phủ Trung Quốc cho biết hơn một nửa nhu cầu năng lượng gia tăng trong giai đoạn này nên được đáp ứng bằng năng lượng tái tạo thay vì than đá. Từ năm 2010-2021, sản xuất năng lượng tái tạo tăng với tỉ lệ trung bình hằng năm là 19,2%, nguồn năng lượng chủ yếu là năng lượng gió và mặt trời. Tuy nhiên, năm 2022, ông Tập lại nói rằng than đá vẫn sẽ là trụ cột chính trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc và khó có thể thay đổi điều này trong ngắn hạn.