Kết nối với cây

Việc kết nối các nguồn lực để trồng cây bảo vệ môi trường đang có những dấu hiệu tích cực với nhiều chương trình được triển khai.

Một buổi sáng đầu xuân đầy nắng, Bảo Châu nheo mắt nhìn theo cạnh chiếc thước đo độ, vừa bước giật lùi ra xa cho đến khi đỉnh cây xà cừ cao khoảng 10 tầng nhà nằm ở đỉnh cây thước, cô bé đang vẽ một tam giác vuông cân để tính chiều cao của cây. Nhờ trang web có tên i-Tree, Bảo Châu biết được cái cây xà cừ cổ thụ cô bé vừa đo được, cao 31 m với đường kính 2 m, sẽ tạo ra giá trị tương đương 40 USD, khoảng 940.000 đồng khi hấp thụ CO2 cùng giá trị giảm ô nhiễm không khí trong 20 năm tới.

Xung quanh cô bé, tại một góc công viên Gia Định, là những nhóm nhỏ cũng đang quây quần bên những chiếc cây, hết ôm cây đo chu vi đến phân loại hạt giống cây, hết vẽ cây đến tắm rừng. Họ đang tham gia một hoạt động nhằm nỗ lực gieo mầm tình yêu cây trong những thị dân của Gaia, được đặt tên là “Ngày hội yêu cây”.

Chị Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, cho biết: “Nhiều người chưa biết cách kết nối với cây và tận dụng giá trị tuyệt vời của cây trong công viên”. Bằng cách cung cấp môi trường mát mẻ và có bóng râm, tạo thuận lợi cho việc tập thể dục, vận động tích cực và sử dụng chung các không gian xanh, cây xanh giúp nâng cao khía cạnh thể chất, tinh thần và xã hội của cộng đồng. Đó là một trong những lý do Gaia tổ chức các hoạt động trồng cây giúp cộng đồng kết nối với cây tốt hơn, góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân thành phố.

Một mục đích khác của Gaia trong hoạt động trồng cây là góp phần bảo vệ môi trường. “Cây trong thành phố có giá trị to lớn đối với con người. Cây giúp lọc sạch không khí, giảm khói bụi, hấp thụ CO2 giúp ứng phó với biến đổi khí hậu”, chị Huyền nói.

Thực vậy, trồng cây xanh càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Hơn một nửa dân số thế giới đang sống trong thành phố và dựa trên dự báo hiện tại, đến năm 2050 sẽ có khoảng 2/3 dân số sinh sống trong các đô thị. Trong khi đó, đô thị là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, chịu trách nhiệm cho 75% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Đồng thời, đô thị cũng đặc biệt dễ bị tổn thương trước hậu quả của biến đổi khí hậu như ngập lụt, căng thẳng nhiệt, lượng mưa lớn, thiếu nước và ô nhiễm không khí gia tăng.

Đối mặt với nguy cơ này, các chương trình trồng cây đã được nhiều quốc gia đề ra và đang thực hiện, trong đó có Singapore. Năm 2020, Singapore đã triển khai phong trào tái trồng rừng sau khi mất phần lớn diện tích cây ngập mặn trong thế kỷ trước. Dự kiến đến năm 2030, đảo quốc sư tử sẽ trồng 1 triệu cây để nâng tổng số cây trên toàn quốc lên 8 triệu cây, trung bình 1,5 cây trên đầu người.

Sau 3 năm, họ đã trồng được 46% số cây theo kế hoạch, với trung tâm của kế hoạch đặt ở sự tham gia của cộng đồng. “Mục tiêu của dự án là mỗi gia đình Singapore chỉ cần đi bộ 10 phút là đến công viên”, Hội đồng Công viên Quốc gia cho biết.

Trong khi đó, tại TP.HCM, diện tích cây xanh công cộng mỗi người chỉ là 2,4 m2 , rất khiêm tốn so với Singapore (gấp 12 lần), Washington (16 lần), Paris (4 lần). Tại thủ đô Hà Nội, dù mật độ mảng xanh bình quân mỗi người gấp đôi TP.HCM nhưng cả 2 đều thấp hơn rất nhiều so với chuẩn 12-15 m2 được Tổng cục Xây dựng Việt Nam quy định.

Đó là lý do 2 năm trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động chương trình  trồng 1 tỉ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh”, hướng đến bổ sung 1 tỉ cây xanh trên toàn lãnh thổ vào năm 2025. Đáng chú ý, 70% số cây được hoạch định trồng tại các đô thị và vùng dân cư, chỉ 30% trong số đó nhằm để trồng rừng. Điều này làm dấy lên quan ngại ở giới quan sát khi khởi nguồn của chương trình là việc thiếu hụt rừng đầu nguồn dẫn đến những đợt lũ lụt gây hậu quả lớn trong thời gian vừa qua.

Bài phân tích của Michael Tatarski trên Mongabay cho biết việc khó tìm đất để trồng rừng là nguyên nhân chính khiến Chính phủ tập trung vào khu vực thành thị để trồng cây trong vài năm tới. Trên giấy tờ, chính quyền địa phương quản lý khoảng 1 triệu ha đất nhưng thực tế, những khu vực này đã bị người dân sử dụng để trồng trọt.

Mặt khác, điều tích cực với các khu dân cư và khu công nghiệp là kế hoạch 1 tỉ cây xanh sẽ bổ sung khoảng không gian xanh cho các thành phố đang thiếu. Thực tế, chương trình đã trở thành động cơ gia tốc cho các chương trình trồng cây khác của các tổ chức phi chính phủ địa phương (NGO) như GreenViet, Gaia và Quỹ Sống. “Việc kết nối nguồn lực để trồng cây rất thuận lợi”, anh Hoàng Văn Chương, Trưởng phòng Phát triển GreenViet nhận xét về tác động tích cực của chương trình trồng cây của Chính phủ đến dự án MTIC – một triệu cây xanh đô thị của GreenViet.

Đã đi 1/3 chặng đường 10 năm, GreenViet đã trồng được 32.400 cây. Khó khăn lớn nhất họ phải đối mặt là quỹ đất ở đô thị khá khan hiếm, những vùng tập trung đông dân cư không còn đất để trồng cây. Một trở ngại khác của chương trình dài hơi này là không có sẵn nguồn kinh phí, vì vậy số lượng cây trồng hằng năm phụ thuộc vào nguồn quỹ vận động được. Trung bình, chi phí trồng cây của GreenViet khoảng 100.000 đồng cho mỗi cây cao khoảng 1,6 m, có đường kính thân khoảng 2 cm.

Trong năm 2020, với sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, Gaia đã trồng hơn 206.000 cây gỗ lớn trên diện tích hơn 77 ha tại 5 khu rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam. Bên cạnh trồng rừng, Gaia có những hoạt động trồng cây trong cộng đồng như ở trường học, nhà máy, những địa điểm cây sẽ được chăm sóc và bảo vệ tốt. “Các bạn càng hiểu, càng biết nhiều kiến thức thì các bạn sẽ là người làm, sẽ nhân rộng điều đó ra gia đình, bạn bè, hàng xóm, cho những người xung quanh mình”, hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ về cảm nhận của cô trong một lần cùng trồng cây với Gaia và các bạn trẻ, những người cô nghĩ sẽ tạo ra sự thay đổi trong tương lai.