Rừng phòng hộ tại Bình Định bị lâm tặc “rút ruột” từng ngày

Tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Canh Liên (huyện Vân Canh, Bình Định), nhiều cây gỗ lớn có chức năng phòng hộ đã bị lâm tặc đốn hạ, khai thác.

Cây rừng lâu năm có đường kính lớn bị lâm tặc cưa hạ. Ảnh: Hoài Lâm

Nhiều cây gỗ lớn bị lâm tặc “xẻ thịt”

Trong tháng Ba, PV Báo Lao Động liên tục nhận được phản ánh của người dân về việc rừng phòng hộ xã Canh Liên (huyện Vân Canh) bị xâm hại nghiêm trọng. Chúng tôi lên đường tới huyện Vân Canh.

Được người dân dẫn đường, sau hơn 1 giờ đồng hồ băng rừng,  chúng tôi đã có mặt tại vị trí cây rừng bị khai thác. Tại đây, nhiều cây rừng lâu năm có đường kính lớn bị lâm tặc cưa hạ.

“Vị trí cây rừng bị tàn phá nằm chủ yếu ở các vùng rừng ven suối Cố, suối Chuối, Đá Trãi, Dông Mít Mài… Người dân phát hiện những cây rừng ở đây bị phá từ sau Tết. Cây rừng bị khai thác, chặt phá toàn là gỗ rất lớn và nằm rải rác, muốn đi hết phải mất 2 đến 3 ngày” – người dẫn đường cho hay.

Tại khu vực suối Cố lên đến Đá Trãi, có hơn 10 cây rừng tự nhiên bị cưa hạ, đường kính từ 30cm đến gần cả mét. Tại suối Chuối, có 5 cây rừng cổ thụ khác bị đốn hạ, dấu cưa vẫn còn rất mới.

Xung quanh khu vực này, chúng tôi phát hiện các khu lán trại do lâm tặc dựng lên để trú ẩn tạm thời với nhiều vật dụng như nồi, xoong, quần áo, can nhựa đựng nhiên liệu máy cưa…

Theo quan sát, cách hiện trường không xa có Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Làng Cam, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Vân Canh đặt giữa con đường chính ra khỏi rừng. Cách đó khoảng vài kilômét có thêm 1 trạm bảo vệ rừng khác của Hạt Kiểm lâm, BQLRPH huyện Tây Sơn.

Về việc cây rừng bị tàn phá, một cán bộ kiểm lâm phụ trách ở Trạm QLBVR Làng Cam cho biết, trước đó đã đi kiểm tra nhưng chỉ phát hiện 4 gốc cây rừng khai thác.

Tuy nhiên, sau khi thấy hình ảnh số cây rừng bị tàn phá nhiều hơn báo cáo, vị cán bộ kiểm lâm địa bàn này cho biết, sẽ báo cáo lại với lãnh đạo để thành lập đoàn kiểm tra lại hiện trường, sau đó xác định số lượng, quy mô để có hình thức xử lý.

Được biết, trong nhiều tháng gần đây, 2 trạm này chưa thực hiện quy chế phối hợp trong tuần tra, kiểm soát rừng. Theo thông tin người dân cung cấp, mặc dù ở đây đặt 2 trạm quản lý bảo vệ rừng nhưng hầu như công tác phối hợp còn lỏng lẻo.

Kiểm điểm trách nhiệm việc chậm báo cáo

Sáng 21.3, làm việc với PV, ông Lê Đức Sáu – Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định – cho biết, sau khi nhận được phản ánh về tình trạng cưa hạ, khai thác trái phép cây rừng trên địa bàn huyện Vân Canh, đơn vị đã đi kiểm tra hiện trường.

Qua kiểm tra, tại Lô 5, 8, 12, Khoảnh 6, Tiểu khu 316, xã Canh Liên, có 15 cây rừng có đường kính từ 15-50cm bị khai thác. Các cây này là gỗ Ké Trâm (thuộc nhóm V) và cây Sổ (thuộc nhóm VII). Trong đó, có 6 cây được đưa ra khỏi hiện trường, có đường kính từ 25-50cm. Thời gian khai thác chủ yếu khoảng từ tháng 3.2023.

Tổ công tác chưa xác định được cụ thể khối lượng lâm sản đã bị khai thác, đối tượng khai thác, phương tiện, dụng cụ khai thác số gỗ nói trên.

“Số cây rừng bị khai thác là rừng tự nhiên quy hoạch chức năng rừng phòng hộ. Chủ quản lý là BQLRPH Vân Canh” – ông Sáu thông tin.

“Để xảy ra tình trạng này, do chủ rừng (BQLRPH Vân Canh và UBND huyện Vân Canh) không phát hiện kịp thời, không ngăn chặn ngay từ đầu, thiếu sự quản lý, vì vậy, chủ rừng phải chịu trách nhiệm” – ông Sáu nói.

Trả lời về tình trạng chặt phá cây rừng trái phép diễn ra trong thời gian dài nhưng đơn vị quản lý chậm báo cáo, ông Sáu nói sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để kiểm điểm trách nhiệm.

Ông Sáu cũng cho biết, hiện tại, Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh đang thụ lý và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đo đếm, xác định mức độ thiệt hại và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.