Việt Nam có thể tham gia Nền tảng các bên liên quan về kinh tế tuần hoàn của EU

Hội nghị về Nền tảng các bên liên quan về kinh tế tuần hoàn (ECESP), diễn ra ngày 27-28/2 ở thủ đô Brussels, là sự kiện thường niên được Ủy ban kinh tế xã hội (EESC), cơ quan tư vấn của Liên minh châu Âu (EU), tổ chức từ năm 2017.

Tổ hợp điện năng lượng tái tạo của Tập đoàn Trung Nam đầu tư tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận). Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Vương quốc Bỉ, sự kiện thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức và giới nghiên cứu ở Brussels với mục tiêu duy trì một mạng lưới ngày càng rộng lớn hơn, là cơ sở cần thiết cho sự phát triển của một hệ sinh thái tuần hoàn mạnh mẽ.

Theo Báo cáo mới đây về thực trạng kinh tế tuần hoàn (Circularity Gap Report), hiện dân số thế giới đang tiêu thụ 110 tỷ tấn vật liệu mỗi năm và lãng phí hơn 90%. Chỉ 7,2% trong số những vật liệu này đang quay trở lại nền kinh tế. Điều này đặt ra vấn đề về khả năng đáp ứng nhu cầu dài hạn một cách hiệu quả, và đồng nghĩa với việc thiếu hụt nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai.

Một trong những giải pháp tốt nhất để đảo ngược xu hướng nguy hiểm này và đảm bảo sự phát triển chính là nền kinh tế tuần hoàn.

Theo bà Christa Schweng, Chủ tịch EESC, vai trò của nền kinh tế tuần hoàn trong việc đạt được Thỏa thuận xanh là một cơ hội tuyệt vời cho ngành công nghiệp châu Âu. Động lực và đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh phải được sử dụng để xây dựng một tương lai bền vững, công bằng và toàn diện cho châu Âu. Sự chuyển đổi mang tính hệ thống cần thiết của nền kinh tế phải đi đôi với các hoạt động đổi mới.

Tính tuần hoàn thông qua sản xuất và tiêu dùng bền vững đã và đang diễn ra trên khắp châu Âu. Cam kết phát triển bền vững là chưa đủ, EU có thể tạo ra sự khác biệt trên toàn cầu bằng cách làm cho các sản phẩm trở nên bền vững hơn.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Arnaud Schwartz, Trưởng ban Quan sát phát triển bền vững thuộc EESC cho biết, các hoạt động kinh tế tuần hoàn chưa phổ biến trong các hoạt động kinh tế toàn cầu, nhưng hiện nay nó đang được thúc đẩy để trở thành xu hướng chính của nền kinh tế tương lai. Đây là một nền kinh tế thân thiện với môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học của thiên nhiên. Do đó, cần có nguồn tài nguyên thiên nhiên được tái tạo, các nguồn kim loại bền vững, không phá hủy môi trường và tránh việc khai thác quá mức ảnh hưởng đến môi trường.

Để làm được điều này, ông Schwartz nhấn mạnh cần phải sản xuất các mặt hàng bằng các loại vật liệu bền, chắc, sửa chữa được và sử dụng được trong một thời gian dài trước khi được mang đi tái chế.

Ra mắt vào tháng 3/2017 theo sáng kiến chung của Ủy ban châu Âu (EC) và EESC, Nền tảng các bên liên quan về kinh tế tuần hoàn ban đầu được thiết kế như mô hình một cửa để hướng dẫn và hỗ trợ toàn thế giới xoay quanh nền kinh tế tuần hoàn của EU. Trong giai đoạn phát triển đầu tiên, EESC mong muốn đóng vai trò là điểm tham chiếu chính của cuộc cách mạng tuần hoàn, khai thác sức mạnh vô song, đó là sức mạnh của mạng lưới.

Đề cập đến vấn đề này, ông Cillian Lohan, Phó Chủ tịch EESC, cho rằng trong sáu năm qua, ECESP phát triển mạnh mẽ, là mô hình tham chiếu dành cho doanh nghiệp. Nền tảng tập hợp rất nhiều sáng kiến về khí hậu, phát triển bền vững cho phép các bên tham gia đạt được tất cả mục tiêu về phát triển bền vững.

Ông Lohan nhấn mạnh Việt Nam, một quốc gia châu Á cũng có thể tham gia vào Nền tảng này. Qua đó, Việt Nam sẽ tránh được những sai lầm của châu Âu, tận dụng được sáng kiến, kinh nghiệm của châu Âu trong thời gian qua. Hơn nữa, Việt Nam sẽ thiết lập được mối quan hệ với những bên tham gia Nền tảng để phục vụ cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn của quốc gia.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra triển lãm các mô hình kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ở Bỉ.

Hội nghị về Nền tảng các bên liên quan về kinh tế tuần hoàn được tổ chức theo hình thức hỗn hợp với sự tham dự của 300 đại biểu trực tiếp và 900 người theo hình thức trực tuyến.