Đức tranh cãi về quyết định chấm dứt năng lượng hạt nhân

Bộ trưởng Giao thông Đức đề nghị xem xét tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân, lập luận rằng các dòng ôtô điện có lợi cho môi trường sẽ không thể hoạt động nếu thiếu nguồn điện từ năng lượng hạt nhân.

Nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim ở miền Nam Đức ngày 26/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing ngày 2/1 đã kêu gọi một ủy ban kiểm tra xem xét tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân trong cả nước để quyết định có nên kéo dài thời gian hoạt động hay không.

Tuyên bố trên đang một lần nữa làm dấy lên tranh cãi trong nội bộ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz.

Cuối năm ngoái, Thủ tướng Olaf Sholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đứng đầu trong liên minh cầm quyền 3 đảng đã bỏ qua cuộc tranh cãi giữa đảng Xanh, ủng hộ mạnh mẽ việc chấm dứt hoạt động của các nhà máy năng lượng hạt nhân và đảng Dân chủ Tự do tự do (FDP) ủng hộ việc duy trì hoạt động của 3 nhà máy hạt nhân đến tháng 4/2023.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ Frankfurter Allgemeine, Bộ trưởng Giao thông Vận tải thuộc đảng FDP Volker Wissing lập luận rằng các dòng ôtô điện có lợi cho môi trường sẽ không thể hoạt động nếu thiếu nguồn điện từ năng lượng hạt nhân.

Ông nói: “Chúng tôi cần một câu trả lời đầy đủ là làm thế nào có thể đảm bảo chúng tôi có nguồn cung năng lượng ổn định và giá cả phải chăng để đạt được các mục tiêu bảo vệ khí hậu”.

Những người chỉ trích việc chấm dứt năng lượng hạt nhân cho rằng quyết định này có thể buộc Đức phải phụ thuộc nhiều hơn vào than đá, nguồn nhiên liệu vốn gây ô nhiễm hơn nhiều so với khí đốt, trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, đảng Xanh, một đối tác trong liên minh cầm quyền phản đối mạnh mẽ việc xem xét lại năng lượng hạt nhân.

Những người ủng hộ chính sách này cho rằng việc kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân sẽ tốn kém, thậm chí còn khó thực hiện hơn tiến trình xây dựng năng lượng tái tạo.

Đức đã quyết định độc lập với nguồn cung năng lượng nhập khẩu của Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Quyết định này đã thúc đẩy những lời kêu gọi nối lại hoạt động của 3 nhà máy hạt nhân mà trước đó đã nằm trong kế hoạch đóng cửa vào cuối năm 2022.

Nguồn: