Vốn cho Quy hoạch điện VIII liệu có khả thi?

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN về góp ý cho dự thảo Quy hoạch điện VIII, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, khả năng huy động vốn để thực thi theo như trong dự thảo quy hoạch là rất khó khả thi.

Infographic: T.L

PV: Mới đây Bộ Công thương đã công bố dự thảo Quy hoạch điện quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Từ góc độ tài chính, ông có bình luận gì về dự thảo Quy hoạch điện VIII?

Ông Phạm Xuân Hòe

Ông Phạm Xuân Hòe: Ở góc độ tài chính, tôi thấy tính khả thi về huy động vốn cho phát triển điện lực quốc gia trong Quy hoạch điện VIII là rất khó. Vấn đề vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII được đề cập khá là chung chung và sơ sài.

Có thể thấy trong dự thảo, nguồn vốn đầu tư cho điện cả hai giai đoạn 2021 – 2030 và 2030 – 2045 xấp xỉ 13 tỷ USD/năm. Đặc biệt nguồn vốn dành cho nhiệt điện than (NĐT) vẫn được tính toán đưa vào khá lớn, chiếm khoảng 19,3% tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021 – 2030, tương tự từ 2030  – 2045 vẫn huy động vốn tới 9,5% đầu tư cho NĐT. Trong khi đó, những hậu quả của NĐT là rất lớn, thế giới đang có xu thế thoái vốn khỏi NĐT và Việt Nam cũng đã cam kết quốc tế về giảm phát thải CO2. Điều này là rất mâu thuẫn.

Thêm nữa, phần giải pháp về vốn rất sơ sài và chỉ nói đến vốn của EVN, chưa cụ thể hóa được những định hướng rất lớn từ Nghị quyết 55 năm 2020 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết về phát triển kinh tế của Đại hội Đảng 13. Việc cụ thể hóa và tích hợp các giải pháp về vốn vào trong Quy hoạch điện VIII còn khá mờ nhạt, mới chỉ dừng ở giải pháp xã hội hóa vốn đầu tư đã được đề cập, vẫn lệ thuộc ở EVN.

Còn các giải pháp như:  dỡ bỏ rào cản để đảm bảo minh bạch giá điện; không bù giá chéo; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) để khuyến khích tư nhân bỏ vốn… đều chưa có, rất cần phải bổ sung.

PV: Vậy khó khăn cho vấn đề huy động vốn cho phát triển điện tới đây là gì, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hòe: Có nhiều khó khăn trong vấn đề huy động vốn khiến cho Quy hoạch điện VIII khó khả thi.

Trước tiên là xu thế thoái vốn khỏi NĐT của thế giới diễn ra rất mạnh mẽ. Ước tính, tổng số vốn được thoái khỏi điện than năm 2019 khoảng 20 tỷ USD. Vì vậy, việc vẫn đề xuất vốn cho NĐT như trong dự thảo Quy hoạch điện VIII thì rõ ràng khả năng huy động là không có.

Hiện tại dường như chỉ còn Trung Quốc mong muốn tài trợ cho NĐT để chuyển dịch bỏ đi các nhà máy NĐT của họ. Nếu vay vốn từ Trung Quốc để đầu tư nhiệt điện than thì phải nhìn vào các bài học nhãn tiền và đắt giá mà chúng ta đã thấy như dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, phân đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên…

Tiếp đó là rủi ro về tính ổn định, cam kết chính sách của Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Mặc dù Đảng và Chính phủ đã có những cam kết rất rõ ràng, minh bạch nhưng các cấp thực hiện lại chưa nhất quán với câu chuyện này.

Khó khăn tiếp theo là nguồn vốn trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng Việt Nam ở mức thấp. Nguồn vốn huy động thời hạn từ 1 năm trở lên cỡ khoảng 25 – 30% so với tổng nguồn vốn, dư nợ cho vay trung dài hạn hầu hết các ngân hàng có tỷ trọng trên 50% tổng dư nợ, trong khi thực hiện tiêu chuẩn Basel II, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 35%. Theo tính toán của chúng tôi, hệ số vay nợ bình quân của EVN đã ở mức 2,25 lần so với vốn chủ sở hữu, trong khi đòn cân nợ thông lệ quốc tế chỉ là 1,6 – như vậy là rủi ro. Thêm nữa, các ngân hàng thương mại Việt Nam có vốn tự có nhỏ. Bài toán này của các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa có hồi kết. Đặc biệt, mặt bằng lãi suất cho vay trung dài hạn ở mức cao 10 – 12%/năm sẽ là gánh nặng chi phí tài chính làm cho rủi ro dài hạn với dự án của ngành điện càng gia tăng….

PV: Vậy ông có khuyến nghị gì cho việc huy động nguồn vốn cho Quy hoạch điện VIII, đảm bảo hiệu quả, an toàn?

Ông Phạm Xuân Hòe: Tôi cho rằng, nguồn vốn 13 tỷ USD/năm không phải không khả thi nếu như có những giải pháp chính sách tốt.

Theo tính toán của tôi, hàng năm, các công ty trong tập đoàn EVN có thể đầu tư tổng thể cho phát triển điện khoảng 3 tỷ USD. Do hiện tại, tỷ lệ đòn bẩy tài chính của EVN đã quá cao 2,25 lần so vốn chủ sở hữu, việc vay thêm từ các ngân hàng vượt giới hạn an toàn từ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Số vốn 10 tỷ USD còn lại, một phần có thể huy động từ các doanh nghiệp FDI khoảng 6 – 7 tỷ USD/năm là khả thi. Ngoài ra, việc huy động từ tư nhân và hộ gia đình trong nước 3 – 4 tỷ USD/năm cũng rất khả thi, nếu thị trường điện cạnh tranh lộ trình tự do hóa giá điện được tiến hành sớm hơn, có các chính sách tín dụng xanh tốt được cụ thể từ định hướng của Nghị quyết 55.

Về chính sách tài khóa, cần có những giải pháp bố trí đầu tư công xanh cho điện mặt trời và điện gió, đặc biệt là đường truyền tải; thúc đẩy minh bạch hóa và tự do hóa giá điện.

Về chính sách tiền tệ và tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách ưu đãi lãi suất tái cấp vốn bộ hồ sơ tín dụng cho vay dự án năng lượng tái tạo, lãi suất tái chiết khấu thấp với giấy tờ có giá xanh; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nguồn vốn của ngân hàng thương mại có mức dư nợ cho vay xanh, trong đó có dư nợ cho vay năng lượng tái tạo…

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàn thiện hành lang pháp lý để tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế

Việt Nam chưa có một cơ quan đầu mối thực thi quốc gia về tiếp cận các nguồn vốn xanh, chống biến đổi khí hậu từ các quỹ đầu lớn như Quỹ khí hậu xanh toàn cầu, Quỹ thích ứng, Quỹ môi trường toàn cầu và các quỹ đầu tư xanh của khu vực tư nhân. Do vậy, việc tiếp cận các điều kiện quy trình để có thể tiếp cận dòng vốn xanh quốc tế rất lớn có mức phí và lãi suất rất thấp, thời hạn cho vay dài của doanh nghiệp Việt Nam còn rất khó khăn. Do đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với Quỹ phát triển năng lượng bền vững và thành lập Cơ quan thực thi quốc gia tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế.