2022 – Năm của biến động năng lượng toàn cầu

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, sự phát triển các loại điện năng mới, xáo trộn trong thị trường Australia,… là tiêu điểm trong thị trường năng lượng năm 2022.

Năm 2022 được nhiều chuyên gia đánh giá là một năm nhiều diễn biến khó lường trong ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu. Năm nay, thế giới chứng kiến nhu cầu về chất đốt chạm đỉnh, sự phát triển không ngừng của năng lượng xanh và đặc biệt là khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.

Một nhà máy nhiệt điện than ở Grevenbroich, Đức. (Ảnh: Shutterstock)

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu

Mặc dù nhiều nước tại châu Âu bắt đầu rơi vào khủng hoảng năng lượng vào năm 2021, nhưng với việc xung đột Nga – Ukraine nổ ra và phương Tây áp dụng nhiều đòn trừng phạt kinh tế, Nga đã quyết định dừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt tự nhiên tới châu Âu. Điều này kéo theo một loạt thay đổi lớn: nhiều ngành kinh tế ở EU khó khăn, giá dầu và các loại năng lượng thay thế tăng cao, Mỹ và EU hàn gắn lại mối quan hệ, phương Tây áp trần giá dầu Nga…

Khủng hoảng này bắt đầu từ việc nhu cầu năng lượng tăng cao: mùa đông lạnh hơn khiến người dân sử dụng khí đốt nhiều hơn. Phía nguồn cung cũng gặp nhiều trở ngại như xu hướng loại bỏ dần việc sử dụng than đá, thị trường điện gió gặp khó khăn, các mỏ dầu không được bảo trì và phát triển trong thời điểm dịch COVID-19. Thêm vào đó, châu Âu đang giảm sản xuất khí đốt tự nhiên trong nước. Hà Lan, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên nội địa hàng đầu của châu Âu, bắt đầu đóng cửa dần mỏ khí đốt lớn nhất – mỏ Groningen – vào năm 2018.

Trước đây, Nga là nguồn xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất sang Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2019 và 2020, chiếm hơn 40% lượng nhập khẩu của EU. Việc Nga cắt giảm hơn 80% lượng khí đốt trong năm nay đã khiến hệ thống năng lượng EU càng rơi vào khủng hoảng trầm trọng và được đánh giá là “chưa từng có”. Giá buôn điện và khí đốt tăng vọt, gấp hơn 15 lần mức giá đầu năm.

Năng lượng hóa thạch đạt đỉnh

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thông báo rằng thế giới đang ở trong “cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên trên thế giới”, sau một loạt các cú sốc sâu và rộng trong thị trường năng lượng. Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đang tiến gần đến đỉnh và sau đó sẽ giảm xuống. Cơ quan Năng lượng Quốc tế vốn thận trọng duy trì các chính sách dựa trên giả định rằng sẽ không có bất kỳ đột phá về công nghệ nào giúp giảm lượng cầu. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, IEA vẫn dự đoán thời kỳ nhiên liệu hóa thạch sắp đi đến “hồi kết”.

Các nguồn năng lượng thay thế như gió và mặt trời tiếp tục phát triển. Lần lượt các ông lớn trong ngành năng lượng như điện đốt than, nhiệt điện khí đốt đã lần lượt đạt đỉnh trong những năm 2010. IEA dự kiến sản lượng điện gió và mặt trời sẽ đạt 460 TWh (terawatt giờ) trong năm nay – tương đương mức tiêu thụ của toàn bộ nước Pháp trong năm 2019. Trong năm tới, con số này tăng lên 650 TWh – nhiều hơn tổng mức tiêu thụ của Brazil trong năm 2019.

Các tấm pin mặt trời được lắp đặt tại một nhà máy quang điện trên hồ ở Haltern. (Ảnh:  Euronews)

Sự phát triển của các loại điện năng mới

Theo nghiên cứu của Bloomberg, sự tăng trưởng trong sản xuất điện đều tập trung cao độ về mặt địa lý: một số ít nước tạo ra phần nhiều sự phát triển trong các loại điện năng. Từ năm 2012 tới năm 2021, 10 quốc gia điện gió lớn nhất chiếm 89% tổng công suất lắp đặt mới. Tương tự với năng lượng mặt trời, 10 thị trường lớn nhất chiếm 85% tổng số lượt lắp đặt. Trong ngành than đá, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tổng cộng 78% công suất phát điện mới trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, 10 năm trước chỉ có 55 quốc gia xây dựng các dự án năng lượng mặt trời, nhưng chỉ trong năm ngoái, 112 quốc gia đã tham gia vào thị trường này.

Xáo trộn trong thị trường Australia

Vào tháng 6 năm nay, thị trường điện của Australia ngừng hoạt động. Với nhu cầu về khí đốt tự nhiên tăng cao, nhà điều hành lưới điện quốc gia đã hạn chế giá khí đốt để bảo vệ người tiêu dùng. Sau đó, Úc tiến hành giới hạn giá điện ở mức 300 AUD/MWh. Với mức này, nhiều nhà phát điện phải chịu lỗ trên mỗi megawatt giờ bán ra. Với rất nhiều máy phát điện ngừng hoạt động vì lý do kinh tế và nguồn cung không đủ để đáp ứng nhu cầu, nhà điều hành lưới điện đã đình chỉ tất cả các giao dịch – khiến đất nước trở thành thị trường không người bán.

Ảnh hưởng tới thế giới

IEA đánh giá cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ các quốc gia và phá vỡ các tập quán thương mại lâu đời. Trong báo cáo thường niên của IEA năm nay, các số liệu chỉ ra trong năm tới sẽ có 70 triệu người có nguy cơ mất khả năng chi trả tiền điện nhằm phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Điều này xuất phát từ ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng. Kèm theo đó là tác động ngày càng rõ ràng của biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, khiến cho nhiều quốc gia sẽ tiếp tục gặp khó khăn nếu các vấn đề hiện nay không sớm được khắc phục.

Nguồn: