VQG Bù Gia Mập thả 83 cá thể rừng quý hiếm về tự nhiên

Cá thể động vật rừng quý hiếm sau khi hoàn thành cứu hộ đã được tái thả về rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước).

Ngày 19-12, Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập phối hợp với Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi – TP.HCM thực hiện tái thả 83 cá thể động vật hoang dã quý hiếm về rừng tự nhiên thuộc lâm phần VQG Bù Gia Mập.

Trong 83 cá thể được tái thả có một cá thể Tê Tê Java, một Niệc mỏ vằn, 21 cá thể Rùa núi đất lớn, 12 cá thể Rùa núi vàng và nhiều loài động vật rừng quý hiếm khác.

Ông Khương Hữu Thắng (góc phải) cùng tham gia thả động vật hoang dã quý hiếm về rừng. Ảnh: K.T

Ông Khương Hữu Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG Bù Gia Mập cho biết toàn bộ số cá thể động vật rừng trên được người dân chủ động trao trả, giao nộp lại cho trung tâm.

“Sau khi thực hiện các giải pháp cứu hộ, huấn luyện bản năng hoang dã, khảo sát điều kiện môi trường rừng tự nhiên như diện tích, chất lượng rừng và đặc điểm sinh thái của các loài, đảm bảo các loài sau tái thả có thể sinh tồn tốt trong môi trường tự nhiên thì trung tâm tiến hành tái thả.” – Ông Thắng cho biết.

Các loài động vật được thả về rừng lần này đều là những loài động vật quý hiếm được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và được quy định bảo vệ theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước Quốc tế (Cites).

Niệc mỏ vằn cực quý hiếm có tên khoa học là Rhyticeros undulatus, là một loài chim thuộc họ Hồng hoàng. Ảnh: K.T

Theo ông Thắng trong năm 2022 nhiều cá nhân tổ chức đã chủ động liên hệ và trao trả, giao nộp động vật hoang dã nuôi nhốt trái phép cho các cơ quan chức năng để thực hiện các giải pháp cứu hộ tái thả về rừng tự nhiên.

“Việc người dân chủ động giao nộp động vật hoang dã cho cơ quan chức năng thực hiện cứu hộ, tái thả là việc làm vô cùng đúng đắn. Bởi việc nuôi, nhốt động vật hoang dã không chỉ vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật rừng mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây các dịch bệnh từ động vật sang người, ảnh hưởng đến sức khỏe của người nuôi và xã hội xung quanh” – ông Thắng lưu ý.

Ngoài ra, việc người dân tự mang động vật đi thả ở những nơi không phù hợp, động vật không thích nghi với môi trường dẫn đến chết hoặc gây hại cho môi trường nơi đó.

Cá thể Tê Tê Java, loài cực kỳ nguy cấp được ưu tiên bảo vệ và nghiêm cấm khai thác, sử dụng, mua bán, tiêu thụ dưới mọi hình thức. Ảnh K.T

Theo thống kê, năm qua VQG Bù Gia Mập đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh tiếp nhận, cứu hộ và tái thả về rừng VQG Bù Gia Mập gần 500 cá thể động vật rừng thuộc nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ông Thắng cho rằng đây là một tín hiệu mừng cho thấy trách nhiệm của người dân đối với động vật rừng, môi trường rừng ngày một nâng cao.