ADN cổ xưa nhất tiết lộ thế giới bị mất từng tồn tại ở Bắc Cực

Ngày nay, Bắc Cực là hoang mạc cằn cỗi, nhưng 2 triệu năm trước là khung cảnh cây cối tươi tốt với nhiều loài động vật, trong đó có loài voi răng mấu hiện đã tuyệt chủng.

Mô phỏng khung cảnh ở Greenland khoảng 2 triệu năm trước. Ảnh: Kurt Kjær

Các nhà khoa học đã phát hiện ADN cổ xưa nhất và thông qua ADN này để tìm hiểu cuộc sống cách đây 2 triệu năm ở mũi phía bắc của Greenland.

Tác giả chính Kurt Kjær, nhà địa chất và chuyên gia về sông băng tại Đại học Copenhagen, cho biết: “Nghiên cứu mở ra cánh cửa dẫn đến một quá khứ đã cơ bản bị mất đi”. Nghiên cứu công bố ngày 7.12 trên tạp chí Nature.

Theo nghiên cứu, ADN 2 triệu năm tuổi từ phía bắc Greenland tiết lộ rằng, khu vực này từng là nơi sinh sống của voi răng mấu, vượn cáo và ngỗng, cung cấp những hiểu biết chưa từng có về cách biến đổi khí hậu có thể định hình hệ sinh thái.

Đột phá trong phân tích ADN cổ đại đã đưa các nhà khoa học về thời điểm vùng Bắc Cực ấm hơn 11-19 độ C so với hiện nay.

Phân tích cho thấy, bán đảo phía bắc của Greenland, hiện là hoang mạc vùng cực, từng có những khu rừng cây dương và bạch dương đầy động vật hoang dã. Công trình nghiên cứu đưa ra manh mối về cách các loài có thể thích nghi, hoặc được biến đổi gene, để tồn tại trước mối đe dọa của nóng lên toàn cầu.

Giáo sư Eske Willerslev của Đại học Cambridge và Đại học Copenhagen cho biết: “Một chương mới kéo dài hơn 1 triệu năm lịch sử cuối cùng đã được mở ra và lần đầu tiên chúng ta có thể nhìn thẳng vào ADN của một hệ sinh thái trong quá khứ”.

Những mảnh ADN trong nghiên cứu này lâu đời hơn 1 triệu năm so với kỷ lục trước đây được lấy mẫu từ xương voi ma mút Siberia. Trong tương lai, các kỹ thuật tương tự có thể được sử dụng để khám phá về những con người đầu tiên và tổ tiên của họ.

Hệ tầng Kap København – nơi các nhà khoa học tìm ra mẫu ADN cổ xưa nhất Trái đất. Ảnh: Giáo sư Svend Funder

Giáo sư Willerslev và đồng nghiệp đã làm việc trong 16 năm cho dự án này. Kết quả là ADN của 41 mẫu được tìm thấy ẩn trong đất sét và thạch anh đã được giải trình tự và xác định. Các mẫu ADN cổ đại được tìm thấy chôn sâu trong hệ tầng Kap København –  lớp trầm tích dày gần 100m được hình thành trong hơn 20.000 năm. Lớp trầm tích này ở một vịnh hẹp của Bắc Băng Dương tại điểm cực bắc của Greenland và được bảo quản trong băng hoặc băng vĩnh cửu, không bị con người tác động trong suốt 2 triệu năm.

Các nhà khoa học xác định và ghép các đoạn ADN cực nhỏ và đã bị hư hỏng lại với nhau, thông qua tham khảo các thư viện ADN mở rộng được thu thập từ động vật, thực vật và vi sinh vật ngày nay.

Bức tranh tổng thể hiện ra là những khu rừng có tuần lộc, thỏ rừng, vượn cáo và voi răng mấu – những loài động vật có vú trong kỷ băng hà trước đây chỉ được tìm thấy ở Bắc Mỹ và Trung Mỹ.

Các mẫu vật không tiết lộ bất kỳ loài ăn thịt nào – có lẽ vì chúng có số lượng ít hơn – nhưng các nhà khoa học suy đoán có thể có gấu, chó sói hoặc hổ răng kiếm cổ đại.