Lắp đặt trạm đo gió cho dự án điện gió ngoài khơi ở Bến Tre

Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre 1,4 tỉ USD vừa lắp đặt thành công trạm đo gió, chuẩn bị góp phần chuyển đổi năng lượng xanh của VN.

Việc lắp đặt thành công hệ thống LiDAR là bước tiến quan trọng để đạt mục tiêu đưa toàn bộ dự án có tổng vốn đầu tư 1,4 tỉ USD vào vận hành thương mại. Ảnh: AIT

Tập đoàn Năng lượng tái tạo Mainstream cho biết, doanh nghiệp này và đối tác Việt Nam – Tập đoàn AIT vừa lắp đặt thành công hệ thống đo gió LiDAR cho dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển dự án này.

LiDAR là hệ thống đo xa bờ, được dùng trong các dự án điện gió ngoài khơi, nhằm thiết lập các bản đồ gió, cung cấp dữ liệu tin cậy cho việc xác định sản lượng điện tiềm năng của một khu vực. Hệ thống này tại dự án Bến Tre là trạm đo gió xa bờ ở Việt Nam, được lắp đặt trên giàn nổi cố định ngoài khơi cách bờ biển tỉnh Bến Tre 40km, nơi có mực nước sâu 25m.

Trạm này sẽ liên tục thu thập và truyền qua vệ tinh các dữ liệu về gió trong suốt 18 tháng. Việc lắp đặt thành công hệ thống LiDAR là bước tiến quan trọng để đạt mục tiêu đưa toàn bộ dự án có tổng vốn đầu tư 1,4 tỉ USD vào vận hành thương mại trong năm 2026.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh: T.L.

Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, ước tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phát triển hơn 70GW năng lượng gió ngoài khơi để thay thế dần nguyên liệu hóa thạch, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Điểm mạnh của điện gió ngoài khơi là hiệu suất cao, khoảng 29-52%, gấp đôi điện mặt trời, cao hơn điện gió trên bờ và tương đương điện khí. Tuy tiềm năng, cơ hội cho điện gió ngoài khơi Việt Nam khá lớn, nhưng loại hình năng lượng này thường đi kèm với nhiều rủi ro đầu tư. So với chi phí đầu tư vào điện gió trên bờ, ven bờ, suất đầu tư điện gió ngoài khơi cao hơn 2 lần. Thời gian mỗi dự án từ lúc xây dựng tới vận hành thường kéo dài 5-7 năm, chưa gồm thời gian chuẩn bị các thủ tục đầu tư dự án, xin cấp phép, khảo sát địa chất, đo gió…

Điều kiện thi công trên biển cũng không dễ dàng, chi phí thi công, xây dựng lớn… nên dù được đánh giá là hiệu quả cao nhưng không phải nhà đầu tư, đơn vị thi công nào cũng đủ lực để tham gia. Chi phí xây lắp tại một dự án điện gió ngoài khơi thường chiếm khoảng 53% tổng chi phí dự án, chi phí phát triển khoảng 3%; khảo sát, dự phòng khoảng 4-5%…

Bên cạnh đó, đầu tư của ngành điện gió ngoài khơi rất phức tạp, cần sự hợp tác giữa các nhà phát triển dự án và chính quyền, xây dựng được chuỗi cung ứng ngay tại địa phương.

Hàng loạt dự án đang khảo sát/ký hợp đồng ghi nhớ với các đối tác lớn nhất trong lĩnh vực này như: Dự án điện gió La Gàn ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, của nhà đầu tư nước ngoài với công suất 3.500 MW, đã thực hiện ký các hợp đồng khảo sát hàng triệu USD với các nhà thầu Việt Nam. Hay siêu dự án điện gió Thăng Long (Kê Gà) – một trong những dự án sớm nhất tại Việt Nam.