Dự án mỏ lithium lớn nhất nước Mỹ đối mặt với nhiều rào cản bất chấp nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Sự phản đối từ các bộ lạc người Mỹ bản địa và các cơ quan giám sát môi trường, cũng như sự không chắc chắn của công nghệ non trẻ… đã đe dọa tiến độ của dự án khai thác mỏ lithium ở Nevada.

Ước tính mỏ Thacker Pass chứa khoảng 179.422 tấn lithium và chủ yếu tồn tại ở dạng trầm tích-đất sét. Ảnh: AP

Nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài

Ở tây bắc Nevada, gần biên giới của tiểu bang với Oregon và nằm sâu bên dưới sa mạc, là một trong những mỏ lithium lớn nhất từng được biết đến ở Mỹ.

Là một thành phần thiết yếu trong sản xuất pin sạc được sử dụng trong máy tính xách tay, điện thoại di động và xe điện (EV), khoáng chất đất hiếm này rất quan trọng đối với sự chuyển dịch toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Hơn nữa, theo tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng”, Mỹ chỉ sản xuất 1% nguồn cung cấp lithium của thế giới, vì vậy các nhà sản xuất tại Mỹ chủ yếu dựa vào nguồn cung lithium ở nước ngoài, trong khi đại dịch COVID-19 đã cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu dễ đứt gãy như thế nào.

Việc Trung Quốc trở thành nhà cung cấp lithium lớn thứ ba trên thế giới – sau Úc và Chile – đã làm tăng thêm tính cấp thiết cho các nỗ lực của Mỹ nhằm ưu tiên nguồn dự trữ lithium trong nước. Trung Quốc cũng kiểm soát gần 80% công suất chế biến lithium của thế giới.

Vào tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để thúc đẩy sản xuất nhanh các khoáng sản quan trọng trong nước.

Tháng trước, ông Biden đã ký Đạo luật Giảm lạm phát, đạo luật này đặt ra một mốc thời gian đầy tham vọng để “nội địa hóa” tất cả các ngành sản xuất xe điện ở Mỹ vào năm 2030, với tất cả các thành phần có nguồn gốc trong nước hoặc từ các quốc gia thân thiện.

Dự án mỏ lithium đối mặt với nhiều rào cản

Các bang của Mỹ như Bắc Carolina, Arkansas, Maine và California đều có lượng lớn lithium – được ca ngợi là “dầu của thế kỷ xanh”. Nhưng Nevada có thể là bang triển khai nhanh nhất.

Các chuyên gia coi dự án mỏ lithium Thacker Pass – được Cục Quản lý Đất đai Mỹ (BLM) phê duyệt vào năm 2021 – ở Nevada là câu trả lời ngay lập tức cho lời kêu gọi của Tổng thống Biden nhằm phát triển nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm tại Mỹ.

Ước tính mỏ Thacker Pass chứa khoảng 179.422 tấn lithium và chủ yếu tồn tại ở dạng trầm tích – đất sét. Thacker Pass cũng chỉ cách Albemarle Silver Peak – mỏ lithium đang hoạt động duy nhất của Mỹ, cũng ở Nevada – gần 500 km, nơi đang sản xuất chỉ 6.000 tấn lithium cacbonat hàng năm.

Melissa Boerst, một nhà địa chất học của công ty Lithium Americas chỉ ra một khu vực thăm dò trong tương lai từ một địa điểm khoan tại dự án Thacker Pass ở Nevada, Mỹ. Ảnh: AP

Thuộc sở hữu của công ty khai thác khoáng sản Lithium Americas của Canada, mỏ Thacker Pass được dự báo, khi đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ sản xuất từ 60.000 đến 80.000 tấn lithium cacbonat dung để sản xuất pin.

Nhưng theo tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng”, sẽ mất thời gian trước khi đạt được điều đó: bất chấp sự ủng hộ của cả chính phủ liên bang và tiểu bang, dự án này phải đối mặt với nhiều rào cản – sự phản kháng của địa phương, công nghệ non trẻ, thậm chí là sự hoài nghi về mối liên hệ với Trung Quốc.

Một số bộ lạc người Mỹ bản địa, cơ quan giám sát môi trường và một chủ trang trại địa phương đã kiện Cục Quản lý Đất đai Mỹ ra tòa vì “gấp rút thông qua” dự án mà họ cho rằng đã được phê duyệt mà không có đánh giá thích hợp về tác động của mỏ mới đối với tài nguyên văn hóa thiêng liêng, các loài có nguy cơ tuyệt chủng và môi trường tại địa phương.

Will Falk – một luật sư đại diện cho cộng đồng người da đỏ Reno-Sparks – nói rằng, mỏ này sẽ phá hủy đất đai và động vật hoang dã vốn được coi là thiêng liêng đối với nhiều người Mỹ bản địa.

Tháng 1/2021, các nhà hoạt động bắt đầu chiếm khu mỏ, yêu cầu chính quyền liên bang hủy bỏ dự án.

Biểu ngữ tại Thacker Pass phản đối dự án khai thác mỏ lithium. Ảnh: Protect Thacker Pass

John Hadder – Giám đốc điều hành Great Basin Resource Watch, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố Reno, tiểu bang Nevada – cũng đệ đơn lên tòa án, nói rằng mỏ lithium lộ thiên sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm nếu không được xử lý, cũng như phá hủy sa mạc và gây hại cho các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng như đại bàng vàng và gà gô hiền triết – cả hai đều được người Mỹ bản địa coi là linh vật.

Ông Hadder lập luận rằng, các chính sách quốc gia như chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Biden tạo thêm “áp lực cho các cộng đồng tiền tuyến” đang chiến đấu để bảo vệ đất đai, nước và không khí của họ.

“Chúng ta sẽ không khắc phục được biến đổi khí hậu nếu chúng ta không làm đúng. Tại sao chúng ta phải trở thành nơi hi sinh cho những người giàu có để có thể lái xe ô tô mà không có cảm giác tội lỗi?”, ông Hadder nói.

Glenn Miller – giáo sư tại Đại học Nevada – có quan điểm nhẹ nhàng hơn: “Có rất nhiều mỏ ở Nevada. Mỏ lithium lành tính hơn nhiều so với các mỏ vàng mới cùng kích thước mà tôi đã từng thấy”.

Việc sản xuất EV phụ thuộc vào nguồn lithium cấp pin ổn định. Ảnh: Bloomberg

Giáo sư Miller lưu ý rằng, không phải tất cả người dân địa phương đều phản đối việc khai thác mỏ – nó được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội việc làm – và Lithium Americas đã đàm phán với hai bộ lạc gần địa điểm dự án nhất.

“Họ đã tạo dựng một mối quan hệ khá tốt với người dân địa phương. Đó là một khu vực nghèo về tài chính và họ muốn thuê nhân công tại địa phương”, ông Miller nói.

“Dự án lithium tốt cho môi trường nhất trên thế giới”

Một bài thuyết trình của công ty Lithium Americas tuyên bố rằng, mỏ lithium sẽ “tạo ra” 265 triệu USD từ hoạt động kinh tế và trả hơn 20 triệu USD tiền thuế trong “thời gian 2 năm xây dựng cơ sở hạ tầng tại mỏ Thacker Pass”.

Lithium Americas dự kiến sẽ tuyển dụng 1.000 người trong “khoảng thời gian 21 tháng để xây dựng cơ sở hạ tầng” và tạo ra “các công việc hỗ trợ” cho “khoảng 300 gia đình” trong vòng 4 thập kỷ hoạt động của dự án. Công tác tiền xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

Jonathan Evans – Giám đốc điều hành Lithium Americas – cho biết, công ty hiện đã vận hành một trung tâm kỹ thuật ở thành phố Reno, là “một đối tác cộng đồng, cam kết cung cấp đào tạo để tạo ra lực lượng lao động địa phương và phát triển một trong những dự án lithium tốt cho môi trường nhất trên thế giới”.

Nhưng mối quan tâm không kết thúc ở đó. Một số chuyên gia trong ngành lưu ý rằng, tập đoàn khai thác khoáng sản khổng lồ Ganfeng của Trung Quốc là cổ đông lớn nhất của Lithium America, với 11% cổ phần.

Peter Clausi – một nhà đầu tư khai thác mỏ người Canada – bày tỏ sự e ngại của mình: “Bạn nghĩ Ganfeng là một nhà đầu tư thụ động hay một công ty đang tìm kiếm nguồn khoáng sản quan trọng cho chính mình?”

Ông Clausi cho biết, mỏ Tanco ở Manitoba – mỏ lithium duy nhất đang hoạt động của Canada – thuộc sở hữu của Sinomine Resource Group – một công ty Trung Quốc, và khoáng sản này được chuyển đến Trung Quốc vì công nghệ xử lý loại lithium đó không có sẵn ở Canada.

Cục Quản lý Đất đai Mỹ đã từ chối bình luận và Ganfeng không trả lời yêu cầu bình luận của tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng”. Lithium Americas cũng từ chối bình luận về các nhà đầu tư Trung Quốc của mình, nhưng công ty đã nhiều lần tuyên bố họ sở hữu hoàn toàn dự án Thacker Pass và không hợp tác với Ganfeng ở Mỹ.

Sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất lithium là một lý do khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Biden tìm cách tăng cường sản xuất trong nước. Ảnh: Xinhua

Theo ông Miller, việc khai thác lithium từ các nguồn khó khai thác và giảm thiểu mức độ gây hại cho môi trường vẫn còn tốn kém, tốn thời gian và ở giai đoạn thử nghiệm.

“Lithium cacbonat yêu cầu phải tinh chế thêm trước khi đưa vào pin. Đó là một phần của sự phức tạp khi xử lý vật liệu mới này”, ông Miller giải thích.

Ngày nay, khoảng 600 công ty khởi nghiệp ở Mỹ đang cố gắng nâng cấp công nghệ pin lithium-ion và tạo chuỗi cung ứng nội địa bằng cách tái chế và tinh chế pin lithium-ion để giảm sự phụ thuộc của ngành vào khai thác.

Benchmark Mineral Intelligence – một đơn vị cung cấp dữ liệu giá thị trường và phân tích chuỗi cung ứng có trụ sở tại London cho biết, việc này sẽ mất rất nhiều thời gian và hàng tỷ USD “để thiết lập một ngành công nghiệp hoàn toàn mới”.

Theo tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng”, mặc dù Nevada giàu khoáng sản có thể thúc đẩy kế hoạch của Tổng thống Biden để tạo ra một chuỗi sản xuất pin trong nước, nhưng các rào cản pháp lý mà dự án Thacker Pass phải đối mặt có thể đẩy lùi mục tiêu năm 2030 về tự lực lithium.