Thế giới trước nguy cơ dịch chồng dịch

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa kêu gọi các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ trở thành một đại dịch như Covid-19. Diễn biến đáng lo ngại của bệnh đậu mùa khỉ cùng sự bùng phát trở lại dịch Covid-19 đang báo hiệu những thách thức không thể xem nhẹ, cần cộng đồng quốc tế nâng cao nhận thức và kịp thời ứng phó.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể có các tổn thương trên da. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Những ngày qua, diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ phủ gam mầu xám lên bức tranh y tế toàn cầu. Văn phòng châu Âu của WHO cảnh báo, số ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ sẽ gia tăng, sau khi ghi nhận những ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Phi. Cơ quan này cho biết, hầu hết các ca bệnh hiện nay đều tự khỏi mà không cần điều trị, song bệnh này vẫn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân cần nhập viện là khi họ cần kiểm soát cơn đau, bị nhiễm trùng thứ phát và trong một số ít trường hợp cần kiểm soát các biến chứng đe dọa tính mạng như viêm não.

Kể từ đầu tháng 5/2022 đến nay, thế giới ghi nhận hơn 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia, trong đó phần lớn ở châu Âu. Trên thực tế, con số lây nhiễm có thể cao hơn nhiều do một số nước hạn chế về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ. Tại Mỹ, một “điểm nóng” về bệnh đậu mùa khỉ, một số thành phố như New York, San Francisco… ban bố tình trạng khẩn cấp. Hàng loạt quốc gia tăng cường truy vết, khuyến nghị những đối tượng dễ mắc bệnh tiêm vaccine.

Giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn hiện hữu, WHO đánh giá bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng và cần phải ngăn chặn chuỗi lây lan sớm nhất có thể. Những bài học kinh nghiệm mà thế giới từng rút ra từ đại dịch Covid-19 cần được áp dụng để ứng phó kịp thời bệnh đậu mùa khỉ trước khi căn bệnh này hoành hành trên quy mô lớn. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, chúng ta có thể dập tắt đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này nếu các quốc gia, cộng đồng và mỗi cá nhân tự nhận thức các nguy cơ và kịp thời hành động ngăn chặn sự lây lan, đồng thời chủ động bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương.

Cũng như đại dịch Covid-19, chìa khóa để thế giới cùng vượt qua bệnh đậu mùa khỉ là tinh thần đoàn kết và sẻ chia. Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tuy phần lớn ca bệnh hiện nay nằm trong một cộng đồng nhất định nhưng bất cứ ai cũng có nguy cơ bị lây nhiễm. Và sự kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc lan truyền thông tin sai lệch trên các nền tảng truyền thông cũng là những “virus” nguy hiểm không kém, khiến việc kiểm soát dịch bệnh càng khó khăn. Cùng với đó, tình trạng khan hiếm vaccine đậu mùa khỉ đang xảy ra ở châu Phi, nơi có tỷ lệ tử vong vì bệnh này cao nhất thế giới.

WHO cho biết, hiện thế giới có sẵn khoảng 16 triệu liều vaccine đã được cấp phép nhưng đều ở dạng đóng gói theo lô lớn và sẽ mất vài tháng để chia nhỏ ra các lọ. WHO kêu gọi các nước đang dự trữ vaccine chia sẻ với các nước khác trong lúc nguồn cung còn hạn hẹp. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi thúc giục thế giới ưu tiên vắc-xin đậu mùa khỉ cho “lục địa đen”, đồng thời cho rằng châu Phi đang bị bỏ lại phía sau. Hơn lúc nào hết, bài học về chia sẻ vaccine cần được biến thành hành động cụ thể để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.

Trong khi đó, dịch Covid-19 có xu hướng diễn biến phức tạp trở lại với số ca mắc mới gia tăng nhanh chóng ở nhiều nước như Australia, Malaysia, New Zealand…, đẩy thế giới đến trước nguy cơ dịch chồng dịch. Giới khoa học mới đây cảnh báo, chính phủ và người dân các nước ở bắc bán cầu sẽ đối mặt thêm nhiều làn sóng Covid-19 nữa khi các nước này sắp bước vào mùa đông thứ ba kể từ khi đại dịch bùng phát.

WHO nhận định, sự lây lan bệnh đậu mùa khỉ có thể được ngăn chặn nhờ các chiến lược phù hợp và cơ chế chia sẻ vaccine nhanh chóng, công bằng trên toàn cầu. Gần ba năm toàn thế giới căng sức chống đỡ đại dịch Covid-19, các bài học mà chúng ta rút ra từ đại dịch này chính là nền tảng quan trọng để ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng y tế khác trong hiện tại và tương lai.