Campuchia muốn nhập khẩu hổ hoang dã

Campuchia đang có kế hoạch đưa hổ từ Ấn Độ về thả trong các khu bảo tồn, trong bối cảnh loài hổ biến mất ở nước này do xung đột và tình trạng săn trộm diễn ra tràn lan.

Người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia Neth Pheaktra cho biết căn cứ vào chỉ thị của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng ban hành năm 2020, chính phủ nước này đã hỗ trợ việc khôi phục loài hổ. Công tác này sẽ được thực hiện đầu tiên tại vườn quốc gia Southern Cardamom, nơi có điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, Khmer Times đưa tin.

Ông cho biết Campuchia đang tìm cách đưa một số con hổ từ Ấn Độ thả vào khu bảo tồn, nhưng chưa thể cho biết có bao nhiêu con hổ vào thời điểm này.

Theo ông Pheaktra, Wildlife Alliance, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về bảo tồn rừng và động vật hoang dã, đã nhận được sự chấp thuận của Bộ Môi trường Campuchia để xây dựng trung tâm phục hồi trên diện tích 82 ha trong vườn quốc gia Southern Cardamom.

Con hổ cuối cùng ở Campuchia được nhìn thấy vào năm 2007, tại khu bảo tồn động vật hoang dã Srepok ở tỉnh Mondulkiri. Ảnh: WWF Campuchia.

“Sau khi xây dựng trung tâm, họ cũng phải nghiên cứu về con mồi của hổ”, ông Pheaktra nói. “Điều quan trọng là những con hổ phải thích nghi trước khi thả chúng vào tự nhiên. Địa điểm thả phải là môi trường thích hợp cho thú săn mồi”.

Trong buổi ra mắt “Chiến dịch không đặt bẫy” ở tỉnh Mondulkiri vào tuần trước, ông Pheaktra cho rằng để bảo tồn các loài quý hiếm, mọi người phải ngừng thịt thú rừng. Ông lưu ý rằng động vật hoang dã là thức ăn của hổ.

“Những con hổ có thể sống trong tự nhiên nếu chúng có đủ con mồi. Nếu mọi người muốn tham gia vào việc bảo tồn loài hổ, họ nên ngừng ăn thịt thú rừng”, ông nói.

Theo ông Pheaktra, việc số lượng hổ không còn ở Campuchia là do âm thanh của tiếng súng trong thời kỳ chiến tranh. Điều này đã làm gián đoạn cuộc sống của hổ, buộc chúng phải rời bỏ môi trường sống của mình đến một nơi khác.

Theo Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), điều quan trọng đối với Campuchia trong việc bảo tồn hổ là đưa hổ vào các khu rừng mà chúng từng sinh sống. Đó là vùng đồng bằng phía đông Campuchia.

Việc tái nuôi hổ ở Campuchia là dự án bảo tồn có tính chất lâu dài đối với chính phủ nước này, WWF Campuchia và các đối tác.