Phát hiện cá tiền sử hiếm gặp có bộ răng như cá mập

Một con cá láng mũi dài màu đen do hội chứng hắc tố với bộ răng như cá mập đã được phát hiện tại sông Choctawhatchee, Florida, Mỹ, theo Newsweek.

Cá thể này được các nhà sinh vật học tại Viện Nghiên cứu Cá và Động vật hoang dã (FWRI) tìm thấy trong một chuyến quan sát dài ngày thường kỳ trên sông.

Các hình ảnh được FWRI công bố cho thấy cá thể cá láng trên có mắt đen và một hàm răng dài cũng màu đen.

“Con gì đen như nhựa đường, có vảy giáp và mồm đầy răng? Một con cá láng mũi dài mắc hội chứng hắc tố!”, FWRI viết trên mạng xã hội. Trong một bình luận dưới bài đăng, viện nghiên cứu này cho biết con cá đã được thả về sông.

Con cá láng đen được phát hiện tại Florida. (Ảnh: Daily Star)

Hắc tố là hội chứng khiến da, vảy hay lông của các loài động vật đậm hơn bình thường do dư thừa melanin. Hiện tượng này có xác suất xuất hiện không cao ở động vật và ít khi được các nhà sinh vật học phát hiện.

Cá láng mũi dài đã xuất hiện ở Bắc Mỹ từ hơn 100 triệu năm về trước. Chúng thường có màu olive thay vì đen. Cá láng mũi dài thường có chiều dài khoảng 3 feet (khoảng hơn 90 cm), nhưng một số loài cá láng khác – như “cá sấu hỏa tiễn” – có thể dài đến 8 feet (gần 2,5 m).

Chúng thường sống ở những nơi nước chảy chậm như cửa sông. Do tập tính thích nổi trên mặt nước, cá láng đôi khi bị nhầm với một khúc củi. Thức ăn của chúng thường là những loài cá nhỏ hơn.

Trước đó, hồi tháng 5, hai người câu cá tại bang Texas (Mỹ) cũng từng phát hiện một con “cá sấu hỏa tiễn” đen do hội chứng hắc tố.