Những “nạn nhân” bị bỏ quên trong xung đột ở Ukraine

Xung đột ở Ukraine không chỉ gây ra các tổn thất vật chất mà còn đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài động vật hoang dã và những vùng đất ngập quan trọng của thế giới.

Vào mỗi mùa xuân trong suốt 30 năm qua, các nhà bảo tồn tại công viên quốc gia Tuzly Lagoons, ở biển Đen, Ukraine, luôn đào các kênh cạn nối từ đầm phá tới bờ biển. Đây là con đường chính giúp hàng tỷ con cá nhỏ bơi ra biển lớn vào mùa đông, sau đó quay lại đầm phá để sinh sản.

Tuy nhiên, năm nay, sẽ không có nhà bảo tồn nào thực hiện hoạt động này. Bờ biển giờ đây cũng rải rác mìn do quân đội Ukraine đặt để ngăn chặn các đợt tấn công của Nga.

“Đó thực sự là một bi kịch”, ông Ivan Rusev, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công viên quốc gia Tuzly Lagoons, nói với Guardian.

“Trong 30 năm, chúng tôi đã tổ chức cho các nhà khoa học trùng tu khu vực này để cứu các đồng cỏ và hỗ trợ quá trình trao đổi nước. Nhưng giờ đây, không còn rãnh nước nào hướng ra biển Đen. (Hàng tỷ) con cá cũng không còn đường di cư”, ông cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã phải bỏ dở công việc vốn kéo dài hàng thập kỷ. Và hậu quả đối với hơn 5.000 con diệc kiếm ăn trong các đầm phá mỗi mùa xuân có thể sẽ rất thảm khốc. Song, đây chỉ là một trong vô số thiệt hại về môi trường ở Ukraine hiện nay.

Mối đe dọa nghiêm trọng

Trước những cuộc giao tranh dữ dội ở bờ biển phía nam, các chuyên gia cảnh báo môi trường biển và đất ngập nước dọc bờ biển Đen và biển Azov sẽ phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng.

“Gần 400.000 ha và 14 khu Ramsar (các vùng đất ngập nước được UNESCO chỉ định là có tầm quan trọng quốc tế) dọc bờ biển và hạ lưu sông Dnipro, đang bị đe dọa”, ông Oleksandr Krasnolutskyi, thứ trưởng phụ trách bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, cho biết.

Công viên quốc gia Tuzly Lagoons, ở biển Đen, Ukraine. (Ảnh: Trekz)

Ông Krasnolutskyi nói thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ USD, đồng thời cho biết thêm rằng mối lo ngại của họ từng có tiền lệ.

Khi sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Nga đã sử dụng một khu sinh thái trong công viên quốc gia Meotyda như một khu vực đổ bộ, phá hủy địa điểm làm tổ lớn nhất của mòng biển Pallas ở lục địa già.

Trong khi đó, ông Rusev ước tính hơn 200 quả bom đã dội xuống các đầm phá trong cuộc xung đột lần này, tác động đến môi trường sống của nhiều loài chim như chim họa mi và bồ nông Dalmatian, vốn đang trong thời kỳ di cư và làm tổ quan trọng.

“Thông thường, chúng tôi thấy 1.000-1.500 con bồ nông trắng di cư từ châu Phi đến (Ukraine). Giờ đây, chỉ còn 300 con. Chúng rất sợ hãi những tiếng nổ”, ông nói.

Cá heo chết cũng dạt vào bờ biển Đen với số lượng lớn, không chỉ ở Ukraine mà còn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria. Các nhà nghiên cứu cho rằng ô nhiễm âm thanh có thể là một yếu khiến cá chết hàng loạt.

Ngoài ra, hố bom cũng đe dọa sự sống của các động vật ven biển. Hóa chất từ các loại thuốc nổ có thể làm thay đổi cấu trúc đất trong các cồn cát, len lỏi vào đầm phá và biển.

“Nhìn chung, (chúng ta) có thể tìm thấy kim loại loại nặng và TNT, RDX, HMX (hóa chất trong chất nổ) ở các loại vũ khí”, ông Doug Weir, Giám đốc nghiên cứu và chính sách tại Đài quan sát Xung đột và Môi trường có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho biết.

“Kim loại nặng rất bền trong môi trường. Và hầu hết chất nổ đều độc hại ở một mức độ nào đó. Một số loại, chẳng hạn TNT, khi tiếp xúc với ánh sáng sẽ phân hủy thành các hóa chất độc hại khác”, ông nói.

Nhiều hệ lụy

Tác hại do những chất ô nhiễm từ thuốc nổ gây ra có thể không rõ ràng ngay lập tức, nhưng vẫn có những ví dụ trực quan khác về thảm họa môi trường ở Ukraine.

Chẳng hạn, mũi đất Kinburn Spit, dài 40 km, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên ở biển Đen do UNESCO chỉ định, bị tên lửa bắn trúng vào đầu tháng 5 gây hỏa hoạn. Đám cháy kéo dài hơn một tuần trên diện tích hơn 4.000 ha.

Đám cháy này cũng làm nổi bật một hậu quả lớn hơn từ xung đột: sự thiếu vắng các chuyên gia về môi trường.

“Rõ ràng đám cháy có thể bị dập tắt và kiểm soát nhanh hơn trong điều kiện bình thường. (Điều đó cho thấy) sự thiếu giám sát và hỗ trợ (từ chuyên gia) có thể gây ra những tác động nghiêm trọng”, ông Weir nói.

Một con cá heo tử vong được phát hiện ở bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 3 năm nay. (Ảnh: Rudaw)

Trong khi đó, ông Rusev cũng cho biết nhóm nghiên cứu của mình đã không thể khảo sát mức độ nguy hại đối với cá heo ở biển Đen, vì không thể tiếp cận những dải bờ biển rộng lớn khác của Ukraine.

Ông ước tính có tới 2.000 con đã bị ảnh hưởng: “Đó là một bi kịch vì chúng ta có một quần thể cá heo rất nhỏ, bất kỳ cá thể nào cũng quý hiếm”.

Ukraine đã quyết tâm truy cứu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại này. Một lực lượng đặc nhiệm đang thu thập bằng chứng về thiệt hại với các vùng nước, nhằm chuẩn bị cho một vụ kiện môi trường chống lại Nga.

Trên lý thuyết, tòa án hình sự quốc tế có thể truy tố các vụ tấn công có chủ đích, cố ý gây ra “thiệt hại trên diện rộng, lâu dài và nghiêm trọng cho môi trường tự nhiên”.

Nhóm đặc nhiệm này đã thu thập và phân tích mẫu nước từ các vùng Melitopol và Berdyansk để đánh giá tác động của chiến sự đối với chất lượng nước.

Trong khi đó, tại công viên Tuzly Lagoons, các cuộc pháo kích vẫn tiếp tục. “Hôm qua có vài quả bom trút xuống gần đó. Mọi người vẫn an toàn, nhưng động vật lại bị quấy rầy”, ông Rusev nói.

“Rất ít người thực sự lo lắng về điều này, nhưng tôi đại diện cho tiếng nói của tự nhiên. Tôi sẽ chiến đấu đến cùng”, ông chia sẻ.