CEPF tài trợ thêm 10 triệu USD bảo vệ môi trường Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Các đơn vị nhận tài trợ, tổ chức tài trợ và đối tác chính phủ trong khu vực của Quỹ Đối tác về Các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) đang có buổi gặp mặt ba ngày (25-27/2013) tại Campuchia.

Mục đích của buổi gặp gỡ này là nhằm chia sẻ những bài học kinh nghiệm sau 5 năm hoạt động, đồng thời thảo luận hướng tới giai đoạn hai của chương trình dựa trên các kết quả của giai đoạn thứ nhất.

Trong 5 năm qua, CEPF đã tài trợ cho hơn 110 dự án của các tổ chức phi chính phủ, trường đại học, nhóm cộng đồng và nhiều hình thái khác nhau của tổ chức dân sự trong nước và quốc tế với tổng số tiền đầu tư gần 10 triệu USD.

Ảnh minh họa: Bird
Ảnh minh họa: BirdLife
Được thành lập năm 2000, CEPF là một quỹ hợp tác toàn cầu của bảy nhà tài trợ gồm Cơ quan Phát triển Pháp, Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, Liên minh Châu Âu,Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản, Quỹ MacArthur và Ngân hàng Thế giới.

Mục tiêu của quỹ này là đẩy mạnh sự tham gia và tính hiệu quả của các tổ chức dân sự trong công cuộc bảo tồn và quản lý hệ đa dạng sinh học mang tầm quan trọng toàn cầu.

Chương trình tài trợ trị giá 10 triệu USD của CEPF được khởi động từ năm 2008 thông qua một chiến lược do hàng trăm nhà bảo tồn và nghiên cứu từ Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam cùng xây dựng nhằm mục tiêu đối phó với tình hình khủng hoảng môi trường đang lan tràn ở Đông Nam Á.

Chương trình đang do BirdLife International điều hành.

Tiêu điểm về mặt địa lý của chương trình tài trợ này là điểm nóng Indo-Burma bao gồm lưu vực các con sông Irrawaddy, Thanlwin (tên cũ là Salween), Chao Phraya, Hồng, Pearl và Mekong bao gồm cả Biển Hồ. Một cách tổng thể, các con sông này giúp duy trì nền kinh tế, văn hóa và đa dạng sinh học của một trong những khu vực đa dạng loài và dân cư đông đúc nhất hành tinh.

Xét về tổng thể, các dự án do CEPF tài trợ đã giúp tăng cường quản lý các khu vực bảo tồn trên diện tích khoảng 1,5 triệu hecta; thành lập bốn khu bảo tồn mới lấp vào các điểm trống quan trọng trong hệ thống các khu bảo tồn của khu vực; lồng ghép các hoạt động bảo tồn thân thiện với hệ đa dạng sinh học vào các vùng sản xuất của các ngành nông lâm ngư nghiệp; và mang lại lợi ích hữu hình về mặt sinh kế cho hơn 100 cộng đồng địa phương.

”Chương trình tài trợ từ CEPF là một nguồn hỗ trợ đặc biệt quan trọng giúp các tổ chức dân sự thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học thực sự trong khu vực”, ông Jonathan C. Eames, thành viên danh hiệu Đế chế Anh, quản lý nhóm thực hiện cấp vùng của BirdLife International, phát biểu. ”Vì trong vài năm gần đây, các nhà tài trợ quốc tế đã mất dần sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, các mối đe dọa tới tính đa dạng sinh học khu vực Indo-Burma đã trở nên nghiêm trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa, CEPF đã đóng vai trò là một trong những nguồn tài trợ quan trọng nhất cho các tổ chức dân sự thực hiện các hoạt động bảo tồn”.

Nhận thức được thành công của chương trình tài trợ cho tới nay và sự xuất hiện của một xã hội dân sự có sự gắn kết, CEPF quyết định tái đầu tư vào điểm nóng Indo-Burma. Cộng thêm cả nguồn hỗ trợ bổ sung từ quỹ Margaret A. Cargill, tổng số vốn đầu tư trong gia đoạn hai này sẽ lớn hơn 10 triệu USD và cũng kéo dài trong năm năm. 

Ở giai đoạn hai, giới hạn địa lý được mở rộng sang Trung Quốc và Myanmar nâng tổng số quốc gia đủ điều kiện để nhận tài trợ thành sáu nước. Chương trình tài trợ giai đoạn hai của CEPF ở Indo-Burma sẽ giúp duy trì các nỗ lực bảo tồn của xã hội dân sự ở khu vực bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên thế giới và mang lại cơ hội để lôi cuốn nhiều và đa dạng các tổ chức địa phương vào hoạt động bảo tồn.

Một số kết quả điển hình từ các dự án do CEPF tài trợ: Tại Lào và Việt Nam, Tổ chức Wildlife Conservation Society và WWF đã thử nghiệm hệ thống mới trong việc thực thi pháp luật, cộng tác với kiểm lâm địa bàn để giải quyết các mối đe dọa đối với loài Saola (Pseudoryx nghetinhensis) và các loài đặc hữu khác do tình trạng đặt bẫy bừa bãi. Qua hơn 18 tháng triển khai, các dự án này đã gỡ bỏ và tiêu hủy hơn 25.000 bẫy các loại, làm giảm đáng kể áp lực lên quần thể loài đang bị khai thác quá mức.

Tại Campuchia, tổ chức phi chính phủ trong nước Hành động vì sự phát triển đã lồng ghép các biện pháp bảo tồn loài chim Ô tác Bengal (Houbaropsis bengalensis) và một số loài chim đang bị đe dọa khác vào các kế hoạch bảo tồn ở 5 khu rừng cộng đồng trải dài hơn 6.000 hecta. Điều này giúp làm giảm áp lực lên các khu vực chứa nguồn thức ăn cho loài này vốn phần lớn thường nằm bên ngoài các khu bảo tồn, trong các cánh rừng cộng đồng hoặc vùng đất sản xuất.

Tại Lào, ngư dân ở lưu vực sông Sekong đã thu được năng suất cao hơn sau khi các khu bảo tồn thủy sản được thành lập và áp dụng các quy định của địa phương vào việc khuyến khích quản lý bền vững nguồn cá. Việc thành lập 24 khu bảo tồn thủy sản trong dự án này do WWF thực hiện cũng giúp bảo vệ các điểm đẻ và ấp trứng của nhiều loài cá đang bị đe dọa từ nạn khai thác quá mức.

Tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ trong nước Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã xây dựng được một mạng lưới các nhà báo chuyên trách về các vấn đề môi trường, làm tăng đáng kể số lượng và chất lượng các cuộc tranh luận công khai về những vấn đề trên qua các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương. Trong một số trường hợp, một số bài báo viết về các vấn đề môi trường nóng hổi đã thúc đẩy cơ quan chức năng hành động kiên quyết hơn như tạm đình chỉ cấp giấy phép khai thác cát và khoáng sản ở một số địa phương.