Quần thể hươu cao cổ phục hồi ngoạn mục khắp châu Phi

Trái với những cảnh báo được đưa ra cách đây vài năm rằng quần thể hươu cao cổ đang tiến gần tới bờ vực tuyệt chủng, nghiên cứu mới công bố cho thấy số lượng hươu cao cổ đã tăng lên trên khắp châu Phi, một tin tốt lành hiếm hoi trong thế giới bảo tồn.

Theo phân tích gần đây về dữ liệu khảo sát từ khắp lục địa châu Phi, tổng dân số hươu cao cổ hiện vào khoảng 117.000 cá thể, cao hơn khoảng 20% ​​so với dự kiến ​​vào năm 2015.

Julian Fennessy, giám đốc điều hành Tổ chức bảo tồn hươu cao cổ có trụ sở tại Namibia cho biết sự gia tăng này là kết quả của sự tăng trưởng thực sự ở một số khu vực nhưng cũng bắt nguồn từ dữ liệu điều tra dân số chính xác hơn.

Hai cá thể hươu cao cổ đực ở Khu bảo tồn Madikwe Game của Nam Phi. Tổng đàn hươu cao cổ hoang dã đã tăng lên đáng kể kể từ năm 2015. (Ảnh: Shannon Wild, Nat Geo Image Collection)

Hươu cao cổ từng được coi là một loài đơn lẻ nhưng bằng chứng di truyền gần đây cho thấy có khả năng có tới bốn loài hươu cao cổ và ba trong số đó đã tăng lên đáng kể về số lượng bao gồm: hươu cao cổ phương Bắc, hươu cao cổ có đốm hình mắt lưới và hươu cao cổ Masai. Thứ tư là loài hươu cao cổ phương Nam với số lượng quần thể vẫn tương đối ổn định.

Dữ liệu được thu thập trong vài năm trên 21 quốc gia từ nguồn thông tin của các chính phủ, nhà nghiên cứu, tổ chức phi lợi nhuận, thậm chí cả các nhà khoa học công dân. Fennessy cùng sáu đồng tác giả đã phân tích kho thông tin khổng lồ này và công bố kết quả trên tạp chí ScienceDirect. Mặc dù vậy, các quần thể vẫn còn tương đối nhỏ so với cách đây vài trăm năm khi số lượng loài có tới một triệu cá thể, tuy nhiên, con số này liên tục giảm trong nhiều thập kỷ, chủ yếu do mất môi trường sống, phá rừng, chiến tranh và săn trộm.

Việc tìm kiếm và phân tích tất cả các nguồn dữ liệu là một nỗ lực lớn, liên quan đến sự tiếp cận và hợp tác đáng kể giữa các bên. Điều đáng mừng là nghiên cứu thực địa ngày càng cho kết quả chính xác. Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu thường khảo sát quần thể hươu cao cổ hoang dã từ máy bay. Nhưng điều này có thể đánh giá thấp tổng số cá thể ở một số khu vực nhất định, nơi loài động vật ăn cỏ chân dài có thể ẩn dưới cây cối và thảm thực vật. Một cách tiếp cận mới, mạnh mẽ hơn bao gồm các cuộc khảo sát ảnh chuyên sâu, trong đó các chương trình máy tính quét hình ảnh và nhận dạng các cá thể dựa trên các đặc điểm độc đáo của chúng.

Hươu cao cổ phương Bắc hiện là loài bị đe dọa nhiều nhất, chúng sống trong các quần thể biệt lập trên khắp Trung và Tây Phi cũng như Uganda và các vùng của Kenya. Bài báo mới ước tính có hơn 5.900 cá thể loài này, tăng đáng kể so với 4.780 cá thể năm 2015. Fennessy cho biết một số nỗ lực di chuyển hoặc chuyển vị trí của những loài động vật này sang các khu vực mới mà không có quần thể hươu cao cổ hiện có, chẳng hạn như các khu bảo tồn ở Niger, Chad và Uganda, đã thúc đẩy số lượng loài. Đơn cử, 15 cá thể hươu cao cổ đã được chuyển đến Vườn quốc gia hồ Mburo của Uganda vào năm 2015 và quần thể loài đã tăng lên 37 cá thể.

Loài có số lượng ít thứ hai là hươu cao cổ có đốm hình mắt lưới, có thành trì ở phía bắc Kenya. Các tác giả ước tính có 16.000 cá thể thuộc loài này, tăng gần gấp đôi số lượng năm 2015, tuy nhiên sự gia tăng này có thể phần lớn là do dữ liệu tốt hơn chứ không phải do sự phát triển lớn.

Hươu cao cổ Masai được tìm thấy chủ yếu ở Tanzania và miền nam Kenya với số lượng ước tính khoảng 45.000 cá thể, tăng 44% so với 7 năm trước.

Loài có số lượng lớn nhất là hươu cao cổ phương Nam với khoảng 48.000 cá thể, tương đương số liệu năm 2015, chúng lang thang khắp Namibia, Botswana, Nam Phi và hơn thế nữa.

Bên cạnh những khu vực có đủ dữ liệu, vẫn còn một số khu vực không có dữ liệu tốt về hươu cao cổ, chẳng hạn như Nam Sudan, nhiều ý kiến lo ngại nạn săn trộm đang gia tăng tại đây. Ước tính quần thể hươu cao cổ ở Ethiopia và Somalia cũng không rõ ràng, thậm chí có những nơi số lượng loài ngày càng giảm, chẳng hạn như hươu cao cổ phương Bắc ở Cộng hòa Trung Phi hay hươu cao cổ phương Nam ở Zimbabwe.

Hiện IUCN vẫn chưa đánh giá xong dữ liệu di truyền mới về hươu cao cổ và vẫn coi hươu cao cổ là một loài, được xếp vào loại dễ bị tuyệt chủng, với chín loài phụ. Trong số này, hai phân loài hươu cao cổ phương Bắc thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp và hai loài khác gồm hươu cao cổ Masai và hươu cao cổ có đốm hình mắt lưới thuộc nhóm có nguy cơ tuyệt chủng.

Việc săn bắt trái phép thịt, da, xương và đuôi của động vật vẫn là một vấn đề lớn ở một số khu vực. Nhưng Jared Stabach, nhà nghiên cứu thuộc Viện Sinh học Bảo tồn Smithsonian cho biết mối quan tâm chính của ông là sự phát triển không bền vững, bao gồm cả hoạt động khoan dầu khí và xây dựng đường sá. Đơn cử như hoạt động mở rộng thăm dò dầu khí quanh Vườn quốc gia Murchison Falls của Uganda có nguy cơ chia cắt và phá hủy môi trường sống của quần thể hươu cao cổ phương Bắc cực kỳ nguy cấp trong khu vực.

Mặc dù vậy, ở những nơi mà chính phủ, công dân, các nhà nghiên cứu và các nhà bảo tồn hợp tác cùng nhau để bảo vệ loài động vật cao nhất thế giới thì vẫn có hy vọng quần thể có thể phát triển mạnh. Chúng có thể phục hồi khó tin khi có điều kiện tốt.

Thảo Vy (Theo Nationalgeographic)

Nguồn: