Nhà sinh vật học dành tình yêu trọn đời cho loài rùa xanh

Sau lần đầu ghé thăm quần đảo Bjiagós thuộc Cộng hòa Guinea-Bissau, Tây Phi, nhà sinh vật học Castro Barbosa đã quyết định dành trọn cuộc đời để bảo vệ loài rùa xanh nơi đây, một trong những loài quan trọng nhất châu Phi.

Đôi mắt của Castro Barbosa vẫn sáng lên khi nhớ lại lần đầu tiên ông nhìn thấy một cá thể rùa biển vào năm 1993 tại quần đảo Bijagós. Ngay từ khoảnh khắc ấy, những cá thể rùa bé nhỏ đã gây ấn tượng mạnh đến nỗi ông nguyện gắn bó cả đời để bảo vệ chúng: “Chúng thật bình tĩnh, thật tuyệt. Tôi thấy chúng cần được bảo vệ”.

Castro hiện đã ở tuổi 60, là trưởng bộ phận giám sát rùa biển tại Viện đa dạng sinh học và khu bảo tồn quốc gia (IBAP). Ông giám sát các khu vực làm tổ quan trọng của rùa xanh trong Vườn quốc gia biển João Vieira-Poilão bao gồm đảo Poilão và ba hòn đảo khác. Các nhà khoa học đều công nhận Poilão là một trong năm địa điểm làm tổ hàng đầu trên thế giới của rùa xanh (Chelonia mydas) và là loài quan trọng nhất ở châu Phi. Khoảng 5% tổng số rùa xanh toàn cầu làm tổ trên hòn đảo rộng 43 ha này. Đây cũng là nơi sinh sản quan trọng nhất của rùa biển ở châu Phi.

Giải cứu rùa biển nở. Ảnh: Ricci Shryock /Mongabay.

Những cá thể rùa xanh sinh sản ở Bijagós đều dành phần đời còn lại của chúng trong đại dương rộng lớn. Một số ở gần các đảo João Vieira-Poilão và Vườn quốc gia Orango, một số có thể di cư xa 1.000 km, từ bờ biển Tây Phi đến đồng cỏ biển Banc d’Arguin ở ngoài khơi bờ biển Mauritania. Điều thú vị là dù có đi bao xa, tất cả rùa biển nở ở đây cuối cùng sẽ quay trở lại những bãi biển này để sinh sản. Mặc dù quần thể rùa xanh trên toàn cầu đang giảm, chủ yếu do nạn săn bắt, khai thác trứng quá mức hoặc vô tình bị mắc vào lưới đánh cá nhưng quần thể Poilão dường như vẫn ổn định.

Barbosa lớn lên trong đất liền, ở vùng Cacheu của Guinea-Bissau, ban đầu ông làm việc trong trang trại của cha mình. Là một sinh viên rất quan tâm đến tự nhiên, ông đã theo học và trở thành một nhà sinh vật học chuyên về các loài động vật có vú trên cạn. Tuy nhiên, trong khi làm việc với tư cách là nhà sinh vật học cho IBAP vào những năm 1990, Barbosa đã đến thăm các hòn đảo và yêu tha thiết những chú rùa biển tại đây. Ông đã tham gia vào các cuộc đàm phán kéo dài để thiết lập quyền tiếp cận cho các nhà bảo tồn và nhân viên vườn quốc gia tới các hòn đảo như Poilão, nơi được người dân địa phương coi là đất thiêng và giới hạn sự có mặt của người ngoài.

“Các cuộc đàm phán rất khó khăn vì rất khó thuyết phục người dân về ý định bảo vệ rùa của chúng tôi dù điều này cũng chỉ vì lợi ích cộng đồng. Sự kiên nhẫn và lắng nghe là điều cần thiết nhất để thuyết phục họ”, Barbosa chia sẻ.

Castro Barbosa bên một chú rùa biển xanh mới nở. Ảnh: Ricci Shryock/Mongabay.

Các công việc chuẩn bị để tạo ra một chương trình bảo tồn chính thức ở đây bắt đầu vào năm 1998. Cùng thời gian này, người dân địa phương cho biết có ít rùa quay trở lại các bãi biển nơi chúng từng sinh sống ngoại trừ Poilão – địa điểm duy nhất còn lưu giữ rùa với số lượng lớn. Tuy nhiên, ngay cả ở đây, các nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy bằng chứng về việc các lán trại tạm thời được những người đánh cá di cư dựng lên cùng với nhiều bộ xương rùa xanh.

Vườn quốc gia chính thức được thành lập vào năm 2000. Kể từ đó, Barbosa đã giám sát việc phát triển chương trình bảo tồn bao gồm việc theo dõi, gắn thẻ và bảo vệ hàng nghìn cá thể rùa nở trong vườn quốc gia mỗi năm. Điều này giúp ông hiểu biết sâu sắc hơn về sự di chuyển của rùa xanh trong phần còn lại của vòng đời chúng, cho phép ông cùng các nhà bảo tồn tăng cường bảo vệ môi trường bao gồm cả việc hạn chế tiếp cận tới những khu vực này.

Barbosa có thể đã nghỉ hưu vào lúc này nhưng ông nói rằng ông không thực sự muốn làm bất cứ điều gì khác ngoài việc ở bên những chú rùa biển. Nhiều đồng nghiệp nói đùa rằng sau nhiều năm làm việc với động vật, Barbosa với phong thái trầm lặng, điềm đạm và nụ cười hiền lành đã bắt đầu giống một con rùa xanh.

Người dân nói rằng ngày càng ít rùa xanh đến thăm nhiều bãi biển Bijagós, nơi chúng từng sinh sống. Ảnh: Ricci Shryock/Mongabay.

Vào một đêm cuối tháng 9 ở Poilão, hơn 200 cá thể rùa biển xanh trưởng thành vào bờ đẻ trứng. Trong khi những bà mẹ rùa biển leo lên bãi biển để làm tổ lớn và ít nhạy cảm với những kẻ săn mồi thì Barbosa lo lắng và cảm thấy cần phải bảo vệ kỳ được hàng ngàn con non. Vào đầu giờ sáng, bầu trời xám xịt đe dọa cơn mưa, ông thức dậy từ lều của mình và nhìn ra bãi biển, giữa những dấu vết mới mẻ, những quả trứng đầu tiên được đẻ từ nhiều tháng trước đó đã bắt đầu nở và một vài chú rùa con đang cố gắng bò ra khỏi chiếc nôi cát để trở về ngôi nhà đại dương bao la. Không lo sao được khi chúng chỉ dài vài inch và dễ dàng trở thành mồi ngon cho những con chim đang bay lượn phía trên.

“Tôi vẫn luôn ấn tượng mỗi khi nhìn thấy một con rùa”, Barbosa nói với một nụ cười. “Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải bảo vệ chúng. Tôi không biết giải thích thế nào. Có gì đó chạm vào trái tim tôi. Nó khiến tôi luôn muốn theo sát để bảo vệ, để không có gì có thể làm chúng tổn thương trước khi về với biển cả”.

Barbosa phát hiện một cá thể rùa sơ sinh nhỏ xíu đi lật đật vì bị thương. Ông cúi xuống và rón rén nhặt nó lên. Ông đặt con rùa nhỏ vào một xô cát và hy vọng con vật nhỏ xinh sẽ lành lại trong một, hai ngày trước khi có thể tung tăng dưới nước. Sau đó, ông tiếp tục quay trở lại bãi biển để xem có con rùa biển nào khác cần ông giúp không.

Linh Nhi (Theo Mongabay)

Nguồn: