Luật Bảo vệ môi trường 2020 nghiêm cấm những hành vi nào?

Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung mang tính đột phá. Trong đó, Luật quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính…

Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường gồm 16 chương 171 điều, quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời.

Theo quy định mới tại Điều 6, Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể từ ngày 1/1/2022, sẽ có một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, bao gồm:

1. Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 nghiêm cấm các hành vi xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường. (Ảnh: TTXVN)

2. Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.

3. Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

4. Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

5. Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

6. Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

7. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.

8. Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

9. Che giấu, hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch, thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.

10. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; Sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

11. Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ozone theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ozone mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.

13. Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

14. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng sẽ bị nghiêm cấm theo quy định mới.

Môi trường hiện nay đang là vấn đề nóng bỏng của mọi quốc gia, dù đó là quốc gia phát triển hay là quốc gia đang phát triển. Sự ô nhiễm, suy thoái và những sự cổ môi trường diễn ra ngày càng ở mức độ cao đang đặt con người trước những sự trả thù ghê gớm của thiên nhiên.

Nguy cơ môi trường đặc biệt nóng bỏng ở các quốc gia đang phát triển – nơi nhu cầu cuộc sống hàng ngày của con người và nhu cầu phát triển của xã hội xung đột mạnh mẽ với sự cần thiết phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Việt Nam đúng trong hàng ngũ của các quốc gia đang phát triển và cũng đang phải đổi đầu với vấn đề môi trường.

Bảo vệ môi trường ngày nay đã trở thành một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Bằng những biện pháp và chính sách khác nhau, Nhà nước ta đang can thiệp mạnh mẽ vào các hoạt động của cá nhân, tổ chức trong xã hội để bảo vệ các yếu tổ cùa môi trường, ngăn chặn việc gây ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.

Trong những biện pháp mà Nhà nước sử dụng, pháp luật đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Sự xuất hiện và vai trò ngày càng tăng của các quy định pháp luật về môi trường kể từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường là biểu hiện rõ nét về sự cấp bách của vấn đề môi trường và dẫn đến hệ quả tất yếu là phải đào tạo, giáo dục công dân nhũng kiến thức về pháp luật môi trường.