Tình hình dịch Covid-19 đối lập tại các địa phương

Trong khi số ca mắc mới tại Hà Nội liên tục tăng, một số địa phương ghi nhận lượng F0 ở cộng đồng giảm.

Tính từ 16h ngày 11/1 đến 16h ngày 12/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.135 ca nhiễm mới. Trong đó, 69 người nhập cảnh và 16.066 trường hợp ghi nhận trong nước.

Trái ngược với tình hình dịch phức tạp tại Hà Nội, Khánh Hòa hay Bình Định, số ca mắc ở một số địa phương thuộc khu vực miền Tây ghi nhận mức giảm mạnh.

Số F0 diễn biến nặng tại Hà Nội tiếp tục tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội về tình hình dịch Covd-19 trên địa bàn tính đến 18h ngày 12/1, thành phố ghi nhận thêm 2.948 ca nhiễm nCoV.

Toàn bộ 30/30 quận, huyện thuộc Hà Nội đều có thêm ca nhiễm mới. Trong đó, một số địa phương ghi nhận nhiều F0 trong ngày là Ba Đình (116), Hoài Đức (111), Bắc Từ Liêm (98), Long Biên (94), Hoàn Kiếm (93), Đống Đa (83),…

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Trong đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 29/4/2021, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 79.615 ca mắc Covid-19.

Thống kê của Bộ Y tế tối 12/1 cũng cho thấy Hà Nội vừa có thêm 13 trường hợp tử vong do Covid-19.

Ở lần cập nhật mới nhất ngày 12/1, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ghi nhận Hà Nội có 1.989 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.

Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 2.091 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 505 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 17,4% so với trung bình một tuần trước). Trong đó, 443 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 18 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 10 người thở máy không xâm lấn và 34 ca thở máy xâm lấn.

Mặt khác, toàn thành phố đã tiêm được tổng cộng 13.350.081 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 222.786, mũi nhắc lại là 1.147.910.

Tính tới nay, Hà Nội duy trì mức độ dịch cấp 2 (vùng vàng – nguy cơ). Hà Nội vẫn có 8 quận/huyện cấp độ 3; 20 quận/huyện/thị xã cấp độ 2 và 2 địa bàn xã ở cấp độ 1 (màu xanh). Các đơn vị hành chính cấp độ dịch 3 gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy.

Trước tình hình số ca mắc tăng cao khiến tỷ lệ bệnh nhân nặng và nguy kịch tăng, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết thành phố triển khai 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch Covid-19, đó là tập trung tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế bệnh nhân chuyển tầng.

Số ca mắc mới tại TP.HCM tăng nhẹ trở lại

Sau 6 ngày ghi nhận số ca mắc mới dưới ngưỡng 500 trường hợp, TP.HCM trong 48 giờ qua lại cho thấy tốc độ phát hiện F0 tăng nhẹ trở lại ngưỡng gần 700 người. Cụ thể, trong ngày 12/1, thành phố có 696 ca mắc mới.

Tại Hội nghị triển khai các hoạt động trọng tâm của ngành y tế năm 2022 do Sở Y tế TP.HCM tổ chức chiều 12/1, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo thống kê của Bệnh viện Nhân dân Gia Định về vấn đề sức khỏe sau Covid-19 trong giai đoạn từ 1/12/2021 đến ngày 10/1, 510 người đến khám hô hấp, 182 người đến khám thần kinh và 134 người khám tim mạch. Các vấn đề còn lại liên quan nội tiết, tiêu hóa, cơ xương khớp.

Ông nhấn mạnh tại Việt Nam, số lượng ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng với gần 2% dân số bị lây nhiễm. Riêng tại TP.HCM, hơn nửa triệu người bị nhiễm. Trong số đó, hơn 300.000 người đã xuất viện.

“Con số 300.000 người khỏi Covid-19 bao gồm bệnh nhân nằm viện có triệu chứng từ nhẹ, trung bình, nặng đến nguy kịch. Vấn đề chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 là vấn đề nóng và rất đáng quan tâm”, TS Dũng nói.

Đứng trước vấn đề này, TP.HCM đã xây dựng mô hình 3 tầng trong quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19.

Một bệnh nhân Covid-19 thở oxy trên đường chuyển viện hồi tháng 8/2021 ở TP.HCM. (Ảnh: Duy Hiệu).

Tầng 3 – bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối: Có nhiệm vụ tiếp nhận nhóm người bệnh Covid-19 mức độ nặng và truyền thông vấn đề sức khỏe hậu Covid-19; khám và điều trị chuyên khoa sâu (hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng); nghiên cứu khoa học, xây dựng phác đồ điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc đối tượng này.

Tầng 2 – bệnh viện tuyến quận, huyện: Tiếp nhận nhóm người bệnh Covid-19 mức độ trung bình, truyền thông vấn đề sức khỏe hậu Covid-19; khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, quản lý và chăm sóc điều trị bằng thuốc; nghiên cứu khoa học, xây dựng phác đồ điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc đối tượng này.

Tầng 1 – y tế cơ sở: Nhóm người bệnh hậu Covid-19 mức độ nhẹ, truyền thông sức khỏe hậu Covid-19, cách phát hiện sớm và biện pháp phòng ngừa; tiếp cận và phát hiện các vấn đề sức khỏe, quản lý chăm sóc, tư vấn từ xa, điều trị bằng phương pháp thực dưỡng, phương pháp điều trị không dùng thuốc, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.

Hải Phòng giảm cấp độ dịch

Tính từ 18h ngày 11/1 đến 18h ngày 12/1, Sở Y tế TP Hải Phòng báo cáo 533 ca nhiễm mới.

Các F0 được phát hiện tại 14/15 quận huyện, trong đó có 50 người thuộc diện F1, 447 người tự đi làm xét nghiệm, 33 trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc khu công nghiệp thuộc huyện An Dương và Thủy Nguyên, số ca còn lại được test nhanh dương tính.

Theo thống kê, Hải Phòng đã thực hiện hơn 3,4 triệu mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đó, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã đủ 2 liều vaccine là 99,79%; tỷ lệ này ở nhóm trẻ 12-17 tuổi là 99,98%. Thành phố cũng đã tiêm mũi 3 (gồm mũi bổ sung và nhắc lại) tổng cộng gần 200.000 liều.

Đến nay, toàn thành phố có 8.650 người khỏi Covid-19; 9.408 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 87 người diễn biến nặng và nguy kịch.

Sau 4 ngày công bố cấp độ dịch nguy cơ rất cao (tương ứng cấp độ 4 – vùng đỏ), đến ngày 12/1, thành phố đã cập nhật là cấp độ 3 (vùng cam – nguy cơ cao) sau khi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Hải Phòng giảm so với trước đó.

Hiện nay, TP Hải Phòng có 6/15 quận, huyện là vùng đỏ gồm: quận Hồng Bàng, Dương Kinh, Lê Chân, Đồ Sơn và huyện An Dương, Kiến Thuỵ.

Tín hiệu lạc quan tại các tỉnh miền Tây

Tình hình dịch ở Đồng Tháp đang cho thấy chiều hướng khá tích cực khi từ đầu tháng 1 đến nay, số lượng ca mắc mới ngày càng giảm. Trong tháng 12/2021, tỉnh này liên tục tăng nhanh số ca nhiễm, có thời điểm hơn 800 ca/ngày.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu của ngành y tế tỉnh này là nỗ lực giảm số lượng bệnh nhân nặng và tử vong do Covid-19. Trong văn bản mới ban hành gửi các cơ sở y tế, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Tháp đề nghị các đơn vị phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị tốt hơn, đặc biệt là chú ý quản lý chặt F0 tại nhà, theo dõi chỉ số SpO2 để đánh giá nguy cơ tăng nặng.

Từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12, Cần Thơ luôn nằm trong số các tỉnh, thành có số lượng F0 cao nhất cả nước. Nhiều ngày Cần Thơ dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm, số lượng bệnh nhân tăng nhanh khiến các hệ thống y tế gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 12/2021 đến nay, Cần Thơ ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ 100 đến gần 300 ca mắc. Số lượng này vẫn còn khá cao nhưng đã giảm rõ rệt so với những ngày trước đó.

Cà Mau có ngày thứ 12 liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới dưới 1.000 trường hợp. Tỉnh cũng năm trong nhóm địa phương có số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó (-227). Cuối tháng 12/2021, địa phương này thường xuyên phát hiện khoảng 1.000-1.500 trường hợp dương tính với nCoV mỗi ngày.

Theo quyết định mới nhất của Sở Y tế Cà Mau về cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn, tỉnh hiện có 95 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 2 và 6 xã, phường, thị trấn ở cấp độ một.

Tại Tây Ninh, từ đầu tháng 1 đến nay, số ca mắc mới đã giảm dần từ ngưỡng 900 xuống còn 400 trường hợp sau 24 giờ. Ngày 12/1, địa phương này chỉ ghi nhận 473 người dương tính với SARS-CoV-2.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc vừa qua cũng đề nghị tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng phải giảm dần, không để dịch phát sinh vượt quá tầm kiểm soát, ưu tiên thực hiện tiêm vaccine; nâng cao năng lực điều trị và thuốc; ý thức người dân trong thực hiện các quy định về phòng chống dịch, thực hiện tốt 5K.

Tây Ninh cũng đang đẩy nhanh việc bao phủ vaccine mũi 3 cho người đã tiêm mũi 2 từ 3 tháng trở lên. Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi cơ bản ở Tây Ninh là 92,61%.

Yêu cầu chấn chỉnh biện pháp chống dịch không phù hợp

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 242 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Bộ Y tế khẩn trương có văn bản chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp”, Thủ tướng yêu cầu.

Quy định bán tại chỗ hoặc mang về ở Hà Nội thay đổi liên tục khiến nhiều chủ cơ sở kinh doanh bất an, nhất là dịp cận Tết. (Ảnh: Trang Minh).

Theo ghi nhận của Zing, quy định về hình thức phục vụ thường xuyên thay đổi theo diễn biến dịch bệnh khiến nhiều chủ quán ăn, uống ở Hà Nội phải buôn bán trong bất an.

Các chủ quán cho biết việc cơ sở được mở bán tại chỗ hay ngược lại đều kéo theo nhiều việc phải xử lý. Để đón khách tại chỗ, họ cho rằng không phải cứ mở cửa là được mà cần dọn dẹp, huy động nhân viên, chăm chút lại cây cảnh và nhập thêm hàng, kế hoạch chạy quảng cáo, thu hút khách cũng bị ảnh hưởng.

Những ngày qua, Hà Nội có số ca nhiễm biến động liên tục, nhiều quận, huyện, xã, phường liên tục chuyển trạng thái từ xanh, vàng sang cam và ngược lại. Việc này khiến hoạt động kinh doanh, sản xuất của người dân gặp nhiều xáo trộn, khó đảm bảo tiêu chí “thích ứng linh hoạt” mà Chính phủ đặt ra.

Ngày 10/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch để thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19.