Kịch bản biến đổi khí hậu: Cơ sở xây dựng các giải pháp ứng phó hiệu quả

Bộ TN&MT vừa công bố bản cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2020. So với bản năm 2016, bản cập nhật mới này có nhiều điểm mới về số liệu, phương pháp nghiên cứu nhằm nâng chất lượng của kịch bản.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận thức rõ mức độ và ảnh hưởng của BĐKH đối với đời sống, kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng. Chính vì vậy mà nước ta đã chủ động, sớm tham gia và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế bằng việc ký kết các công ước, nghị định quốc tế về biến đổi khí hậu; Trong đó, phải kể đến Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris về khí hậu;…

Tại Hội nghị COP26, ngoài tuyên bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch. Những tuyên bố hết sức mạnh mẽ của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. Tuy nhiên, để thực hiện các cam kết này, Việt Nam cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.

Nước biển dâng cao đột ngột, nguy cơ cao vỡ đê tại các vùng biển. (Ảnh: TTXVN)

Trong những năm qua kịch bản biến đổi khí hậu đã được xây dựng và công bố nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế biến đổi trong quá khứ và những biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam. Quá trình công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam như sau:

Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lần đầu tiên công bố Kịch bản biến đổi khí hậu nhằm phục vụ cho việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực, khu vực và sử dụng trong quá trình xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành, vùng, địa phương. Trong thời gian qua, Kịch bản biến đổi khí hậu đã thường xuyên được Bộ xây dựng cập nhật và công bố. Đến nay, Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020 đã được hoàn thành.

Năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam dựa trên các nguồn dữ liệu, các điều kiện khí hậu cụ thể của Việt Nam và các sản phẩm của các mô hình khí hậu. Kịch bản khí hậu lần này được xây dựng chi tiết đến cấp tỉnh, kịch bản nước biển dâng được chi tiết cho các khu vực ven biển Việt Nam theo từng thập kỷ của thế kỷ 21.

Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về diễn biến, xu thế biến đổi của khí hậu và nước biển dâng sử dụng số liệu quan trắc cập nhật đến năm 2014 và kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thế kỷ 21. Kịch bản năm 2016 đã tạo cơ sở để phục vụ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2020 đã cập nhật xu thế biến đổi khí hậu và nước biển dâng quy mô toàn cầu dựa trên các báo cáo công bố mới nhất của IPCC năm 2018 và 2019 bao gồm: Báo cáo về biến đổi khí hậu và đất, SRCCL (2019); Báo cáo về thay đổi đại dương và thay đổi băng quyển, SROCC (2019) và Báo cáo về sự ấm lên toàn cầu vượt ngưỡng 1,5°C, SR1.5 (2018).

Trong đó, nêu lên sự biến đổi trong thế kỷ 21 của các yếu tố khí hậu như nhiệt độ (nhiệt độ trung bình năm, mùa và nhiệt độ cực trị), lượng mưa (mưa năm, mưa trong các mùa hoàn lưu, mùa khô, mùa mưa, mưa cực trị) và một số hiện tượng khí hậu cực đoan (bão và áp thấp nhiệt đới, số ngày rét đậm, rét hại, số ngày nắng nóng và hạn hán).

Ngoài ra, kịch bản nước biển dâng còn xét đến xu thế dâng cao của mực nước biển trung bình do biến đổi khí hậu (giãn nở nhiệt và động lực; Tan băng của các sông băng, núi băng trên lục địa; Cân bằng khối lượng bề mặt băng ở Greenland; Cân bằng khối lượng bề mặt băng ở Nam Cực; Động lực băng ở Greenland; Động lực băng ở Nam Cực; Thay đổi lượng trữ nước trên lục địa; Điều chỉnh đẳng tĩnh băng).

Bản đồ nguy cơ ngập được xây dựng dựa trên mực nước biển dâng trung bình do biến đổi khí hậu và mô hình số độ cao các tỉ lệ 1:2.000; 1:5000; 1:10000 được cập nhật đến năm 2020.

Nước biển dâng có thể khiến Việt Nam tổn thất 10% GDP

Theo số liệu năm 2018, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi sản xuất 12 triệu tấn gạo/năm (xuất khẩu 6 triệu tấn), khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Mực nước biển dâng không những làm diện tích đất đai bị thu hẹp, mà còn làm nhiễm mặn một số nguồn nước ngọt, tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp, đe dọa đến cuộc sống nhân dân. Khu vực ảnh hưởng lớn nhất là vùng ĐBSCL. Theo đó, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại nặng nề cho ngành trồng trọt (khoảng 17 tỉ USD) cũng như hệ thống cấp nước ở các vùng trũng của Nam Bộ.