Hiện tượng thiên nhiên cực hiếm gặp tại Nam Cực

Nhật thực toàn phần xảy ra ngày 4/12 đã khiến bầu trời mùa hè tại Nam Cực chìm vào bóng tối. Nó kéo dài gần 2 phút nơi các nhà khoa học nghiên cứu và chim cánh cụt sinh sống.

Nhật thực toàn phần là gì? 

Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng di chuyển giữa Mặt Trời và Trái Đất, tạo bóng trên Trái Đất, chặn hoàn toàn hoặc một phần ánh sáng của Mặt Trời ở một số khu vực. Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất thẳng hàng với nhau. Nhật thực toàn phần sẽ kéo dài đến vài phút, tùy thuộc vào vị trí quan sát của bạn.

5 giai đoạn của nhật thực toàn phần

Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng ở giữa Mặt Trời và Trái Đất, che phần tối nhất trong bóng của Mặt Trăng, gọi là sự che khuất toàn phần, lên Trái Đất.
Nhật thực có 5 giai đoạn khác nhau từ đầu đến cuối.

Giai đoạn đầu tiên là bắt đầu nhật thực một phần, khi Mặt Trăng trở nên có thể quan sát được ở vành Mặt Trời. Giai đoạn thứ 2 là nhật thực toàn phần khi Mặt Trăng phủ toàn bộ vành Mặt Trời.

Nhật thực toàn phần duy nhất 2021 ở Nam Cực. (Ảnh minh họa: Internet)

Giai đoạn thứ ba của nhật thực là khi Mặt Trăng che phủ hoàn toàn Mặt Trời. Lúc này, chỉ có thể quan sát được quầng của Mặt Trời và là thời điểm nhật thực cực đại. Ở giai đoạn này, bầu trời sẽ tối sầm.

Giai đoạn tiếp theo đánh dấu việc bắt đầu kết thúc nhật thực khi Mặt Trăng dần rời khỏi và Mặt Trời xuất hiện trở lại. Nhật thực kết thúc khi Mặt Trăng hoàn toàn tách khỏi Mặt Trời.

Nhật thực toàn phần duy nhất năm 2021 tại Nam Cực

Nhật thực bắt đầu lúc 14h và kết thúc lúc 15h06 hôm 4/12 (giờ Hà Nội), trong đó giai đoạn toàn phần diễn ra lúc 14h44, kéo dài trong chưa đầy 2 phút. Trong nhật thực, Mặt Trăng di chuyển giữa Mặt Trời và Trái Đất, đổ bóng lên hành tinh xanh. Với nhật thực toàn phần, Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất xếp thẳng hàng một cách hoàn hảo theo thứ tự.

Nhật thực toàn phần đã khiến Nam Cực chìm trong bóng tối. (Ảnh minh họa: Internet)

Những người ở trung tâm của nơi Mặt Trăng đổ bóng lên Trái Đất có thể quan sát hiện tượng thiên văn thú vị này. Họ sẽ thấy bầu trời chuyển tối khi bóng Mặt Trăng quét qua Trái Đất. Những người ở Nam Cực, nơi duy nhất có thể theo dõi nhật thực toàn phần hôm 4/12, cũng sẽ thấy lớp khí quyển ngoài của Mặt Trời hay vành nhật hoa. Vào ngày thường, lớp khí quyển này bị che lấp bởi bề mặt Mặt Trời sáng rực.

Hiện tại, Nam Cực đang trải qua mùa hè (kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2), khi Mặt Trời gần như lúc nào cũng ở trên bầu trời. Điều này đồng nghĩa có thể khoảng 4.400 – 5.500 người gồm các nhân viên và nhà nghiên cứu đang ở trên châu lục này, ít hơn nhiều so với chim cánh cụt. Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh (BAS) ước tính, có khoảng 20 triệu cặp chim cánh cụt đang trong tuổi sinh sản ở Nam Cực.

Dù không thể thấy nhật thực toàn phần, người yêu thiên văn ở một số khu vực khác trên thế giới có thể quan sát nhật thực một phần. Những khu vực này gồm đảo Saint Helena, Namibia, Lesotho, Nam Phi, Nam Georgia và quần đảo Sandwich, quần đảo Crozet, quần đảo Falkland, Chile, New Zealand và Australia.

Nhật thực toàn phần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 20/4/2023, quan sát được ở khu vực phía Nam và phía Đông châu Á. Trong khi đó, nhật thực một phần tiếp theo diễn ra sớm hơn, vào ngày 30/4/2022, quan sát được ở khu vực Đông Nam Thái Bình Dương và một số nơi thuộc Nam Mỹ.