Ngăn chặn nạn tận diệt chim trời

Nhiều loại chim trời ở Quảng Bình bị giăng bẫy, săn bắt theo kiểu tận diệt để làm thực phẩm, mồi nhậu ở các quán ăn khiến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài chim hoang dã di cư nơi này ngày càng khó khăn.

Hằng năm, sau những trận lũ, khi các cánh đồng ở Quảng Bình đầy cá, tôm cũng là lúc hàng loạt đàn chim trời sà xuống kiếm ăn. Đây là dịp để cánh thợ săn chim trời ở khắp các làng quê Quảng Bình “bày binh bố trận” bẫy bắt.

Dạo quanh vùng phá Hạc Hải mênh mông ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, chúng ta có thể bắt gặp nhiều đàn cò trắng làm bằng xốp cách nhiệt dàn hàng phấp phới trên các cánh đồng để chiêu dụ chim thật. Các nhóm thợ săn dùng bẫy kẹp, bẫy keo dính, lưới giăng và các vật dụng khác như máy thu phát âm thanh để bẫy bắt chim trời.

“Phổ biến nhất là dùng lưới giăng, kèm âm thanh giả tiếng chim để dụ chim trời mắc bẫy. Kiểu bẫy này thường thấy trên các ruộng nước, vùng có lau lách. Cánh thợ săn dùng những tấm lưới dài giăng hàng trăm mét, đến mắt người còn khó nhận biết huống hồ chi chim trời. Khi chim sà xuống ăn là mắc ngay vào lưới, càng vùng vẫy càng khó thoát” – một nông dân trong vùng cho biết.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình kiểm tra và thu giữ, tiêu hủy nhiều cò giả dùng để bẫy chim trời (Ảnh: nld.com.vn)

Một số cánh đồng ở 2 huyện Bố Trạch, Quảng Trạch cũng là điểm nóng về nạn bẫy bắt chim trời diễn ra lâu nay. Theo người dân ở đây, vào thời điểm này, trên những cánh đồng, bẫy lưới giăng dày đặc ngày đêm. Sáng sớm, cánh thợ săn chỉ cần đi dọc bờ ruộng gỡ chim sa bẫy, bẻ cánh, bỏ vào bao, giao cho mối lái mang đến bán tại các khu chợ, nhà hàng, quán ăn…

Quảng Bình là địa phương được đánh giá có số lượng lớn đàn chim di cư trong mùa thu – đông. Tuy nhiên, những năm gần đây, theo quan sát của nhiều người, chim di cư về Quảng Bình có xu hướng giảm mạnh. Nguyên nhân chính, theo họ, vẫn là nạn bẫy bắt theo kiểu tận diệt.

Nhiều thợ săn cho biết họ bẫy các loài chim trời không thuộc danh mục quý hiếm, cấm săn bắt nên khi lực lượng chức năng phát hiện cũng chỉ nhắc nhở. Trong khi đó, việc bảo tồn các loại chim chủ yếu được quy định cụ thể để áp dụng đối với các khu bảo tồn, vườn quốc gia; còn với chim trời thì chưa có quy định rõ ràng nên hoạt động quản lý của cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thục – Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Lê Thủy – thừa nhận một số người săn bắt chim trời theo cách tận diệt ở các cánh đồng của địa phương này sau mùa mưa lũ hằng năm, thời điểm di trú của các loài cò, vạc, diệc… Chính quyền xã cũng đã nhắc nhở qua hệ thống loa truyền thanh, tổ chức truy quét tiêu hủy bẫy, dụng cụ săn bắt chim trời.

“Nhiều người lén lút ra các cánh đồng xa đặt bẫy chim trong đêm nên khó phát hiện để ngăn chặn. Việc xử phạt cũng không dễ dàng bởi khi lực lượng chức năng tiếp cận nơi đặt bẫy thì thường không thấy ai” – ông Thục nêu thực trạng.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, để hạn chế và ngăn chặn tình trạng này, đơn vị đã ban hành công văn đề nghị tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Chi cục cũng đã chỉ đạo lực lượng phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền về giá trị đa dạng sinh học, tầm quan trọng của các loài chim, trong đó có chim trời.

Từ tháng 9-2021 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với công an, biên phòng ra quân tiến hành tháo gỡ, tiêu hủy hơn 50.000 dụng cụ, phương tiện bẫy chim trời, 3.200 con cò giả, hơn 5.400 m lưới; giải cứu 145 con cò, vạc, diệc và nhiều loài chim khác. Các đơn vị còn tiến hành kiểm tra, tuyên truyền xóa bỏ các tụ điểm mua bán chim trời trên địa bàn.

“Các văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể về việc xử phạt cũng như mức phạt đối với các hành vi bẫy bắt chim trời. Lực lượng kiểm lâm chỉ dừng lại ở việc nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân” – ông Long cho biết.