Sóng nhiệt biển tác động mạnh đến kinh tế xã hội

Một nghiên cứu mới trên tạp chí Science cho thấy, các đợt sóng nhiệt biển đã gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng trên toàn thế giới. Bởi vậy, các nhà khoa học cho rằng, chúng ta cần phải có các hành động toàn cầu để giảm nhẹ tác động của các hiện tượng cực đoan này ở đại dương.

Sóng nhiệt Ningaloo Niño đã phá hủy hàng loạt rừng tảo bẹ. (Ảnh: Marine Biological Association)

Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn thế giới, và sóng nhiệt biển cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta đều đã biết rằng nhiệt độ nước biển cao bất thường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, nhưng còn những tác động khác và hiệu ứng kéo theo từ đó thì sao?

Mới đây, một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science, do nhóm các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Sinh học Biển (MBA) ở Anh và PGS Alex Sen Gupta ở Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu của UNSW thực hiện, đã cho thấy một bức tranh toàn cầu đầu tiên về ảnh hưởng của sóng nhiệt biển đến kinh tế xã hội.

“Số ngày có sóng nhiệt biển hằng năm trên toàn cầu đã tăng lên 54% so với thế kỷ trước, và 8/10 đợt sóng nhiệt cực đoan nhất từng được ghi nhận đã xảy ra sau năm 2010”, PGS. Sen Gupta cho biết. “Tuy nhiên, mới chỉ có rất ít nghiên cứu xem xét hậu quả của chúng đối với những tương tác giữa con người và đại dương”.

Để lấp đầy khoảng trống dữ liệu này, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các phản ứng sinh học đối với 34 đợt sóng nhiệt biển xảy ra ở tất cả các lưu vực đại dương lớn và tìm hiểu các tác động kinh tế xã hội liên quan. Kết quả cho thấy, hầu hết các đợt sóng nhiệt đều dẫn đến việc mất nguồn lợi thủy sản, phá hủy các rừng tảo bẹ hoặc cỏ biển, giết chết hàng loạt động vật hoang dã, và những điều này thường gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhiều ngành công nghiệp.

“Chúng tôi phát hiện ra thiệt hại kinh tế của các đợt sóng nhiệt biển đơn lẻ đến nay đã vượt quá 800 triệu USD đối với thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp”, tiến sĩ Katie Smith ở MBA, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. “Con số thiệt hại thực sự có khả năng sẽ còn cao hơn nữa bởi có nhiều tác động kinh tế xã hội vẫn chưa được biết đến và báo cáo, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp”.

Chẳng hạn, đợt sóng nhiệt Ningaloo Niño xảy ra ở bờ biển Tây Úc năm 2011 đã phá hủy hàng loạt rừng tảo bẹ, làm hạn chế việc đánh bắt thủy sản và gây ra sự xâm lấn của nhiều loài vật nhiệt đới vào vùng biển ôn đới.

Tiến sĩ Smith cũng cho biết, những ảnh hưởng kéo theo từ các đợt sóng nhiệt biển “có thể kéo dài hàng thập kỷ”. “Việc mất các môi trường sống ven biển như thảm cỏ biển hay rừng tảo bẹ sẽ tác động đến lĩnh vực ngư nghiệp, du lịch và khả năng dự trữ carbon tự nhiên. Trong suốt các đợt sóng nhiệt, nhiệt độ đại dương có thể tăng cao đến mức khiến cho một số loài vật bị ‘căng thẳng’ hoặc chết, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến mạng lưới thức ăn và các loài vật săn mồi ở bậc cao hơn. Chẳng hạn, một sự thay đổi ở các loài động vật biển cực nhỏ có thể làm xáo trộn mạng lưới thức ăn, gây ra cái chết hàng loạt ở các loài thủy sản quan trọng, gây nguy hiểm cho sư tử biển và các loài chim biển cũng như dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn cho ngư nghiệp và du lịch”.

Mặc dù vậy, nghiên cứu cũng cho thấy một số lợi ích liên quan đến sóng nhiệt biển, chẳng hạn như tiềm năng về du lịch và thủy sản do một số loài quan trọng thay đổi phạm vi sinh sống của mình.

“Có một số loài hoặc quần thể ít bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt, thậm chí có loài còn phản ứng tích cực như mở rộng phạm vi sống hoặc sinh sôi nảy nở do điều kiện sống thuận lợi. Vì vậy việc đưa ra các quyết định quản lý tốt ngay từ bây giờ có thể giúp chúng ta thu được một số lợi ích kinh tế”. PGS. Sen Gupta nói.
Dù vậy, TS. Dan Smale, thành viên nghiên cứu của MBA, cho rằng “chúng ta cần có hành động toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của các hiện tượng nóng lên cực đoan đối với các hệ sinh thái biển trong những thập kỷ tới”.