Đoạn tuyệt điện than

Giới đầu tư cự tuyệt các nhà máy điện than, thay vào đó là năng lượng xanh.

Cho tới nay, đã có 44 quốc gia cam kết “không tài trợ cho các dự án than mới”, với 1.175 GW công suất điện than bị hủy bỏ kể từ năm 2015. Ảnh: baoxaydung.vn.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng HSBC và Công ty Bảo hiểm Prudential dự kiến công bố tại Hội nghị Khí hậu COP26 Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 kế hoạch đầu tư mua lại và dừng hoạt động các nhà máy điện than tại châu Á trong 15 năm, sớm hơn nhiều so với tuổi thọ của các nhà máy này là 30-40 năm.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), mô hình có thể là yếu tố thay đổi quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo của Đông Nam Á. Tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker cho biết, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Nhật đang chiếm tới 80% các nhà máy điện than mới được quy hoạch trên thế giới và 75% công suất điện than hiện có. Báo cáo của IEEFA cho thấy, cần một mức tài chính lớn lên đến 55 tỉ USD để ngừng hoạt động một phần các nhà máy điện than ở Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Cho tới nay, đã có 44 quốc gia cam kết “không tài trợ cho các dự án than mới”, với 1.175 GW công suất điện than bị hủy bỏ kể từ năm 2015. Bộ trưởng môi trường từ nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 cũng đã nhất trí ngừng hoạt động tài trợ cho các nhà máy điện than như một phần trong nỗ lực kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Ngay cả nước tài trợ lớn cho điện than là Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ không xây thêm các nhà máy điện than mới ở nước ngoài nhằm giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Theo quy hoạch điện mới – Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ không xây thêm nhà máy nhiệt điện than mới trong giai đoạn 2026-2030. Còn trong giai đoạn từ 2020-2026 thì vẫn phải xây theo như kế hoạch, tổng cộng công suất của 15 dự án là 18.000 MW.

Việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nó làm tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than, khí cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro với an ninh năng lượng quốc gia.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) kiêm Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), cho rằng, nếu Chính phủ có những quy định từ khuyến khích tới bắt buộc cùng chính sách ưu đãi thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thì đến năm 2030, điện than chỉ còn chiếm 24,4%, năng lượng tái tạo tăng trưởng lên 30% và 22,8% nguồn điện còn lại từ khí tự nhiên.

“Nếu làm được điều này, sẽ không cần phải xây dựng thêm khoảng 30.000 MW nhiệt điện than, tương đương 25 nhà máy vào năm 2030. Không phải huy động 60 tỉ USD vốn đầu tư cho những dự án nhiệt điện than này”, đại diện của GreenID cho biết.
Hiện nay, các công ty toàn cầu có xu hướng tập trung ngày càng nhiều vào môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và tính bền vững, họ đòi hỏi ngày càng nhiều các nguồn lực bền vững có chất lượng tốt ở các quốc gia nơi mình hoạt động. Đáng mừng là Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN. Để thu hút thêm vốn FDI và cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn năng lượng bền vững hơn, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo.

Nhà phân tích Rahul Bhatia của Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng, Việt Nam có tiềm năng tốt nhất để đóng góp năng lượng tái tạo trên toàn khu vực ASEAN, với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này. Nhiều tín hiệu tích cực cho xu hướng này đang diễn ra tại Việt Nam. ADB sẽ dừng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện, trong khi sẽ cấp vốn cho các dự án khai thác khí đốt tự nhiên và những giải pháp sản xuất điện kết hợp nhiên liệu xanh và nhiên liệu hóa thạch như một phương án dự phòng.

Mới đây, dự án Điện khí LNG Long An I và II đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Với quy mô 3 tỉ USD, dự án điện khí do VinaCapital GS Energy Pte. Ltd đầu tư có công suất 3.000 MW, bao gồm 2 nhà máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW. Trước đó, nhà đầu tư Delta Offshore Energy Pte.Ltd đã được cấp phép để triển khai dự án Điện khí Bạc Liêu, quy mô 4 tỉ USD, dự kiến vận hành tổ máy đầu tiên của giai đoạn 1 vào cuối năm 2023. ExxonMobil bày tỏ mong muốn được đầu tư dự án Điện khí LNG Hải Phòng, quy mô 4.500 MW, vốn đầu tư trên 5 tỉ USD.

Dòng vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư lớn sẽ tạo ra một hệ sinh thái sản xuất mạnh mẽ và khuyến khích nhiều người tham gia phong trào này. Điều đó sẽ làm cho câu chuyện về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trở nên thực tế hơn nhiều.