Kế hoạch hồi sinh voi ma mút

Sử dụng kỹ thuật di truyền CRISPR, các nhà nghiên cứu tham vọng hồi phục những loài tuyệt chủng để giúp hệ sinh thái chống lại biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Mới đây, doanh nhân Ben Lamm đã công bố thành lập công ty khoa học sinh học và di truyền có tên Colossal. Đồng sáng lập của công ty là nhà khoa học di truyền và doanh nhân công nghệ sinh học nổi tiếng thế giới – Tiến sĩ George Church. Colossal đặt mục tiêu “đảo ngược tuyệt chủng” cho các loài sinh vật.

Nhắm đến chống lại biến đổi khí hậu thông qua tái lập hệ sinh thái, Colossal sẽ sử dụng công nghệ CRISPR để dựng mô hình “đảo ngược tuyệt chủng”. Tiến sĩ Church giải thích cách sử dụng kỹ thuật mang tính cách mạng này: “CRISPR có những tiềm năng vô hạn trong thay đổi cuộc sống của chúng ta, và cách chúng ta có thể tạo ra sự tồn tại bền vững hơn, gồm đảo ngược tuyệt chủng, tái lập lại hệ sinh thái, chẩn đoán và phòng chống bệnh tật cho con người. Đây là bước đầu trong một chương mới của lịch sử nhân loại”.

Hai nhà đồng sáng lập Colossal – Ben Lamm (trái) và Tiến sĩ George Church (phải). (Ảnh: Discovery)

Tiến bộ công nghệ này cũng sẽ được sử dụng để giúp loài sắp tuyệt chủng phục hồi, làm chậm lại quá trình tuyệt chủng khi kết hợp với các nhà bảo tồn hàng đầu thế giới.

Ben Lamm chia sẻ: “Ngoài việc mang những loài cổ đại đã tuyệt chủng như ma mút lông xoăn trở lại, chúng tôi sẽ dùng công nghệ để bảo tồn các loài bị đe dọa, trên bờ vực tuyệt chủng và hồi sinh những loài bị con người góp phần xóa sổ”.

Trong đó, tham vọng hồi sinh voi ma mút của họ đã thu hút nhiều chú ý. Ngày 13/9, dự án công bố khoản đầu tư 15 triệu USD.

Mô hình voi ma mút được trưng bày tại Pháp. (Ảnh: CNN)

Mục tiêu của họ không phải là nhân bản voi ma mút – ADN mà các nhà khoa học lấy từ cá thể trong tầng băng hà quá mong manh và không hoàn chỉnh – mà để tạo ra, thông qua kỹ thuật gene di truyền, một loài lai giữa voi và ma mút lông xoăn, với ngoại hình giống tổ tiên đã tuyệt chủng. Cụ thể, các đoạn ADN của voi ma mút sẽ được đưa vào bộ gene của voi châu Á.

Ben Lamm cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng sẽ có con đầu tiên trong khoảng 4-6 năm tới”.

Xác voi ma mút được tìm thấy trong băng vĩnh cửu đem lại những chuỗi ADN quý giá. (Ảnh: Daily Task)

Những người ủng hộ dự án cho rằng việc hồi sinh voi ma mút trong một hình dạng đã thay đổi có thể giúp bảo tồn hệ sinh thái mong manh của lãnh băng Bắc Cực, chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, và bảo vệ loài voi châu Á đang bị đe dọa – vốn là họ hàng gần nhất của ma mút lông xoăn.

Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng đây là một kế hoạch ảo tưởng, với các vấn đề về đạo đức. Họ nghi ngờ rằng việc đưa voi ma mút lai đến lãnh băng có thể không có tác dụng gì với hệ sinh thái ở đây.

Báo cáo năm 2019 của Liên Hợp Quốc cảnh báo hơn 1 triệu loài động vật, thực vật và nấm sắp tuyệt chủng, nhiều loài trong số đó sẽ biến mất trong vài thập kỷ tới. Càng nhiều loài tuyệt chủng, hệ sinh thái xung quanh chúng sẽ càng nhanh sụp đổ, tác động đến sức khỏe và cuộc sống của con người.