Chuyên gia: Chớ hiểu năng lượng tái tạo là “xanh 100%”

Chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là cơ hội tốt nhất mà chúng ta có để làm chậm lại cuộc khủng hoảng khí hậu nhưng vấn đề là hiểu sao cho đúng.

Các công trình tua bin điện gió đang được xây dựng ở khắp mọi nơi. (Ảnh: AFP)

Theo đó bằng cách những nguồn năng lượng tái tạo này vừa tạo ra nguồn điện ít khí thải nhà kính hơn so với nhiên liệu hóa thạch, lại vừa đa dạng hóa được nguồn cung cấp năng lượng của mình và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu đang gây hại trên mặt đất.

Chỉ tính riêng trong quý đầu tiên của năm 2020, sử dụng năng lượng tái tạo trên toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực đã tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù vậy, một nhà vật lý lý thuyết người Thụy Sỹ đang lập luận rằng, các nguồn năng lượng tái tạo không bao giờ có thể “xanh 100%”, do lượng khí thải tạo ra từ quá trình sản xuất chúng.

Giáo sư Jacques Treiner nói: “Không có nguồn cung cấp năng lượng nào là không gây ra phát thải bởi vì bạn đều phải sản xuất các thiết bị, rồi trải qua khâu lắp đặt, vận hành chúng…”.

Ông Treiner đồng thời bác bỏ ý tưởng về năng lượng “xanh”, ngụ ý rằng ngày nay thuật ngữ này đã trở thành một cụm từ thông dụng đơn thuần.

“Năng lượng thì không có màu sắc. Cho nên cái gọi là năng lượng xanh lá cây, xám, đỏ, xanh dương… tôi đều không hề thấy. Những gì tôi biết là nguồn năng lượng nào có thải ra khí nhà kính hay không”, giáo sư Jacques Treiner phát biểu.

Giáo sư Jacques Treiner hiện là chuyên gia hàng đầu thế giới về năng lượng và các vấn đề khí hậu. (Ảnh: Globe Reporters)

“Ngày nay, mỗi khi nói đến việc sử dụng năng lượng tái tạo trên quy mô lớn, chúng ta không biết làm thế nào để lưu trữ năng lượng. Nếu biết cách làm điều đó, vào những ngày có sản lượng cao, chúng ta sẽ tích trữ nó và để dành sử dụng nó trong những thời điểm sản lượng thấp. Bởi vậy, cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn không thể hình dung ra một nguồn điện hỗn hợp 100% là năng lượng tái tạo”.

Vị giáo sư này cho biết thêm, thậm chí ngay cả khi chúng ta có thể xây dựng nguồn cung cấp năng lượng sạch 100%, chúng ta vẫn chưa thể dựa vào năng lượng mặt trời hoặc gió làm nguồn năng lượng chính của mình.

“Không có cái núm nào mà bạn có thể xoay để làm cho các phản ứng nhiệt hạch trong mặt trời trở nên có cường độ mạnh lên hoặc giảm đi mỗi khi chúng ta cần điện nhiều hơn hoặc ít hơn. Tương tự đối với gió cũng vậy. Mặc dù những nguồn năng lượng này là vô tận, nhưng chúng ta không thể kiểm soát được lưu lượng của chúng. Điều quan trọng là hãy học cách lưu trữ năng lượng tốt hơn”, ông Treiner kết luận.

Năng lượng tái tạo hay còn thường được gọi là năng lượng sạch được tạo ra từ các nguồn thiên nhiên hoặc các quy trình tự nhiên nào đó được hình thành liên tục. Ví dụ như ánh sáng mặt trời, gió, mưa, thủy triều…

Mặc dù năng lượng tái tạo vẫn thường được coi là một công nghệ mới nhưng trên thực tế việc khai thác năng lượng từ thiên nhiên đã được loài người sử dụng từ rất lâu, chẳng hạn như phơi phóng và lợi dụng sức gió để giong thuyền buồm… Tuy nhiên trong hơn 500 năm qua, con người đã dần dần chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng dễ khai thác hơn như than đá và khí đốt- những nguồn năng lượng này tuy rẻ và hiệu quả nhanh hơn nhưng lại không thể tái tạo.

Đập thủy điện Hoover ở Mỹ từng bị nhiều chỉ trích làm chuyển hướng và làm giảm dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường và các quần thể động vật trong khu vực. (Ảnh: Getty)

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật chúng ta đã có những cách thức để cải tiến và đổi mới các công cụ nhằm tận dụng năng lượng mặt trời và gió. Các công cụ này đang dần ít tốn kém hơn trong việc sản xuất và vận hành, góp phần đưa năng lượng tái tạo trở thành một nguồn năng lượng quan trọng và đầy hứa hẹn trong tương lai.

Năng lượng tái tạo đang dần mở rộng một cách nhanh chóng ở cả quy mô lớn và nhỏ. Thậm chí ở các nước phát triển còn xuất hiện những hệ thống điện mặt trời cộng đồng để phục vụ các nhu cầu cơ bản của cuộc sống như sưởi ấm và thắp sáng…