“Dừng xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nếu ảnh hưởng lớn đến môi trường”

ThienNhien.Net – Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định như vậy trong phiên trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XIII.

Thủy điện là vấn đề gây nhiều bức xúc với các đại biểu Quốc hội (Ảnh: songda.vn)

Là đại biểu mở màn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời nhiều câu hỏi về việc xây dựng thương hiệu nông sản, tình hình lỗ nhưng lương cao ở Petrolimex, nguyên nhân cháy xe máy trong thời gian quan… Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (đoàn đại biểu QH tỉnh Đồng Nai) về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết dự án chưa xong một bước quan trọng đó là thẩm định báo cáo ĐTM nên chưa trình được cho Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội để xem xét theo tinh thần Nghị quyết 49. Nếu qua thẩm định, đánh giá tác động môi trường thấy rằng không có hiệu quả, nhất là ảnh hưởng đến rừng, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, tác động xã hội lớn thì chắc chắn các cơ quan sẽ kiến nghị với Thủ tướng xem xét và dừng triển khai.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) về trách nhiệm của Bộ trưởng khi xảy ra hiện tượng hiện nay có 160 dự án công trình thủy điện, ngốn hết khoảng 20.000 ha rừng, mới trồng lại được 735 ha (tương đương 3,7%), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích là do chúng ta xác định quỹ đất để trồng rừng bù lại không chính xác, dẫn đến tình trạng dự án triển khai rồi mới đi tìm đất, mà tìm đất không đáp ứng được yêu cầu. Bộ Công Thương kiến nghị đối với những dự án có mức độ thu hồi đất rừng 1MW/1ha thì trừ những công trình trọng điểm quốc gia, còn cần rà soát lại xem dự án nào khẳng định có quỹ đất để trồng rừng mới cho triển khai, đảm bảo mất 1 ha rừng thì phải trồng bù 1 ha rừng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Việt Trường (đoàn An Giang) về sự cố vỡ đập thủy điện Đắkrông 3, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đây là dự án nhỏ do UBND tỉnh Quảng Trị quyết định, chưa xây dựng hoàn chỉnh nhưng chủ đầu tư tạm ngăn tích nước và phát điện trong 72 giờ ở phần đập chưa xây dựng xong nên xảy ra hiện tượng bị vỡ đoạn ngăn đó và gây ra thiệt hại.

Trước ý kiến cho rằng thủy điện là con đẻ của ngành công thương, Bộ trưởng cũng giải trình là trong 1110 dự án theo quy hoạch thì hơn 900 công trình do các địa phương quyết định, không thể nói là vì Bộ Công thương dẫn đến tình trạng thủy điện tràn lan. Điều cần rút kinh nghiệm là vừa qua chúng ta lập quy hoạch triển khai tương đối rầm rộ nhưng việc giám sát, việc kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về cơ chế, chính sách đặc thù dành cho người dân vùng có dự án thủy điện phải di dời được đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) đặt câu hỏi, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ mới ban hành cơ chế, chính sách mới về việc xây dựng các nhà máy thủy điện thì việc giải phóng mặt bằng được trao cho địa phương – nơi nắm chắc tình hình và có điều kiện sắp xếp, quy hoạch sử dụng đất cho người dân. Việc giải quyết việc làm cho người dân cũng đòi hỏi phải linh hoạt. Chính phủ cũng đã chỉ đạo, với các dự án thủy điện quy mô lớn sẽ có đề án khuyến công, khuyến nông, tạo các cụm công nghiệp, nông nghiệp thu hút người dân vào làm việc.

Thừa nhận tình trạng một số thủy điện đã triển khai từ lâu như Hoà Bình, Thác Bà nhưng nhiều nhu cầu chính đáng của người dân trong khu vực vẫn chưa được đáp ứng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo từng bước xem xét thông qua các chương trình mục tiêu, kinh phí giải quyết vấn đề này. Sau kỳ họp này, Bộ Công thương sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát, tham mưu cho Chính phủ để giải quyết.

Ngày 13/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng sẽ đăng đàn tiếp tục trả lời chất vấn.

Trước đó, báo cáo với Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những điểm chuyển biến trong các lĩnh vực được các đại biểu chất vấn ở các kỳ họp trước. Phó Thủ tướng lưu ý Bộ TN&MT về công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất; quản lý, sử dụng đất của nông, lâm trường; việc phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương trong giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc thực hiện cưỡng chế khi Nhà nước thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, đông thời lưu ý Bộ Công thương về một số vấn đề bức xúc trong phát triển thủy điện như bảo đảm an toàn hồ đập, công tác tái định cư, bảo vệ môi trường.