Biến đổi khí hậu gây lũ lụt chết người có thể tăng cao gấp 9 lần

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đã khiến các hiện tượng mưa lớn gây ngập lụt ở Bỉ và Đức có ít nhất 20% khả năng tái lặp lại trong khu vực, thậm chí có nơi có thể tăng tới 9 lần.

Một ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi mưa lớn ở Italy. Ảnh: Reuters

Các trận mưa cũng có thể tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu được công bố bởi World Weather Attribution (WWA) thì lượng mưa có thể tăng 19% so với thời điểm trái đất chưa ấm lên 1,2 độ C.

Ông Friederike Otto, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Oxford, cho biết: “Chúng ta chắc chắn sẽ phải trải qua điều này thường xuyên hơn khi trái đất ấm lên. Thời tiết khắc nghiệt có thể gây chết người”.

Chỉ trong năm ngoái, các nhà khoa học phát hiện ra rằng hạn hán ở Mỹ, đợt nắng nóng chết người ở Canada và cháy rừng trên khắp cực bắc của Siberia đã trở nên tồi tệ hơn do bầu không khí ấm lên.

Trận mưa từ ngày 12-15/7 ở châu Âu đã gây ra lũ lụt cuốn trôi nhà cửa và đường dây điện, và khiến hơn 200 người thiệt mạng, chủ yếu ở Đức. Hàng chục người chết ở Bỉ và hàng nghìn người cũng buộc phải rời bỏ nhà cửa ở Hà Lan.

Nhà khoa học khí hậu Ralf Toumi tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Thực tế là kể cả những nước giàu có nhất thế giới cũng có những người thiệt mạng vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Không nơi đâu là an toàn”.

Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích trên một khu vực rộng lớn hơn bao gồm các vùng của Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Thụy Sĩ. Họ đã sử dụng hồ sơ thời tiết địa phương và mô phỏng máy tính để so sánh sự kiện lũ lụt vào tháng Bảy với những gì có thể đã được dự đoán trong một thế giới không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Do không khí ấm hơn giữ nhiều độ ẩm hơn, các trận mưa như trút nước vào mùa hè ở khu vực này hiện nặng hơn từ 3 đến 19% so với khi không có hiện tượng nóng lên toàn cầu, các nhà khoa học nhận thấy. Và bản thân sự kiện này cũng có từ 20% đến 800% khả năng tái xuất hiện thường xuyên trong khu vực.

WWA giải thích rằng biên độ dự đoán cao như vậy một phần là do thiếu hồ sơ lịch sử, kèm theo đó là việc lũ lụt đã phá huỷ các thiết bị theo dõi sông.

Ông Stefan Rahmstorf, một nhà khoa học và hải dương học tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu xác nhận rằng việc trái đất ấm lên đóng một vai trò lớn trong thảm họa lũ lụt”.

Ông nói thêm: “Điều này phù hợp với phát hiện của báo cáo IPCC gần đây, cho thấy rằng các hiện tượng mưa lớn đã gia tăng trên toàn thế giới”.