Buôn lậu động vật hoang dã chủ yếu qua đường biển

Ngành vận tải biển toàn cầu đang bị khai thác bởi những kẻ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, với một số công ty vận tải biển thậm chí không biết rằng mình đang bị lạm dụng, theo báo cáo mới được công bố bởi WWF và TRAFFIC.

Ảnh minh họa: Wikimedia Commons

Với các bộ phận động vật nhập lậu thường có nhu cầu ở xa các khu vực có loài này, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hợp pháp bao gồm cả công ty giao nhận vận tải, hãng hàng không và các công ty vận chuyển có thể bị bọn tội phạm lợi dụng và vô tình trở thành một mắt xích trong chuỗi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Đối với sinh vật sống, các hãng vận tải hàng không, dịch vụ chuyển phát nhanh và đôi khi cả các tàu đánh cá nhỏ là những phương tiện vận chuyển phổ biến nhất cho những kẻ buôn lậu. Tuy nhiên, vận chuyển container vẫn là lựa chọn hàng đầu “để buôn lậu số lượng lớn các sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, vảy tê tê và gỗ, do hiệu quả về chi phí, khả năng vận chuyển khối lượng lớn và trọng lượng nặng cùng khả năng bị phát hiện thấp”, đại diện TRAFFIC cho biết.

Giám đốc điều hành WWF-New Zealand Livia Esterhazy cho biết hiện có khoảng 72-90% sản phẩm động vật hoang dã được buôn bán qua đường biển và khoảng 90% lượng hàng hóa  quốc tế được vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, việc tìm ra các lô hàng bất hợp pháp trong số lượng lớn hàng hóa được vận chuyển mỗi năm không phải là một nhiệm vụ đơn giản.

Trong những năm qua, Nigeria đã nổi lên như một trọng điểm xuất khẩu trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu lớn. Riêng năm 2019, khoảng 90 tấn vảy tê tê và 15,5 tấn ngà voi đã bị bắt giữ trên các tàu container đi từ châu Phi đến châu Á.

Tham nhũng là một trong những vấn đề nhức nhối nhất của nạn buôn lậu động vật hoang dã, chủ yếu diễn ra ở các khâu tìm nguồn cung ứng, quá cảnh và xuất khẩu, đa phần liên quan đến sự lạm dụng quyền lực và lòng tin của khu vực công và tư nhân”. Tuy nhiên, cũng không phải chỉ có các quan chức cảng tham nhũng mới nhận hối lộ. Các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã thường cố gắng khai thác các mối quan hệ với một số ít nhân viên tại các công ty vận tải để tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn lậu các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Để chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp, báo cáo liệt kê một số công ty vận chuyển bị treo cờ đỏ để có thể theo dõi, xác định liệu một chuyến hàng có thể đang che giấu động vật hoang dã lậu hay không. Ngoài ra, cự khác biệt về trọng lượng và hình thức bên ngoài, hàng hóa có vẻ không phù hợp với trình độ công nghệ hoặc sự phát triển của điểm đến, mô tả hàng hóa mơ hồ, định giá không nhất quán… sẽ là dấu hiệu phổ biến nhận biết hàng lậu. Riêng với các mặt hàng động vật hoang dã phổ biến, âm mưu buôn lậu có thể bao gồm việc giấu ngà voi trong hoặc giữa các chuyến hàng gỗ; sử dụng gừng thái lát để che giấu mùi đặc biệt của vảy tê tê; che giấu vây cá mập bất hợp pháp giữa các lô hàng hợp pháp có hình thức tương tự.

Ý Nhi (Theo occrp.org)

Nguồn: