Hồ nước Colombia hút du khách nhờ cá heo hồng quý hiếm

Đến hồ Tarapoto (Colombia), du khách có thể quan sát cá răng đao (piranha), cá heo hồng và hàng nghìn loài sinh vật quý hiếm ở vùng đất ngập nước trong rừng nhiệt đới Amazon.

Kể chuyện là nét văn hóa đặc trưng của người bản địa sống trong rừng nhiệt đới Amazon. Trong đó, câu chuyện về con cá heo hồng hóa thành người đàn ông, tham dự lễ hội truyền thống để mê hoặc những phụ nữ của bộ tộc Ticuna, sau đó biến cô gái thành cá heo là nổi tiếng nhất.

Nhưng hồ Tarapoto không chỉ có những câu chuyện cổ tích truyền miệng. Nơi đây còn là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, môi trường sống của những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, theo công ước Ramsar.

Hồ Tarapoto, điểm tham quan nổi tiếng ở Colombia. Ảnh: CNN.

Du lịch và bảo tồn

Hiện nay, có khoảng 900 loài thực vật, 300 loài chim, 176 loài cá, 56 loài bò sát, 46 loài động vật có vú và 30 loài động vật lưỡng cư đang sinh sống trong vùng đất ngập nước rộng 400 km2, theo nghiên cứu của tổ chức WWF. Hồ Tarapoto còn là nơi sinh sản và hiện diện nhiều nhất của loài cá heo hồng quý hiếm ở rừng nhiệt đới Amazon thuộc Colombia.

Các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải đáp về màu sắc kỳ lạ của cá heo hồng, vì loài động vật có vú ở địa phương (gọi là boto) vẫn có màu da xám. Một số chuyên gia phỏng đoán những con đực trưởng thành phải chiến đấu nhiều tạo nên mô sẹo màu hồng. Ngoài ra, có giả thuyết màu da hồng của cá heo là cách thức ngụy trang của loài động vật này dưới lớp bùn đỏ sông Amazon sau trận mưa lớn.

Loài cá heo hồng quý hiếm ở vùng đất ngập nước. Ảnh: theatlantic.

Du khách đến hồ Tarapoto với hy vọng nhìn thấy loài cá heo hồng quý hiếm, được trải nghiệm câu cá răng đao (piranha) hay ngồi trên chiếc thuyền gỗ giữa mênh mang sóng nước nghe hướng dẫn viên giải thích tầm quan trọng của vùng đất ngập nước. Hoạt động du lịch tại hồ Tarapoto giúp cư dân địa phương có thu nhập bền vững trong nhiều năm qua. Thị trấn nhỏ Puerto Narino với dân số 6.000 người cũng phát triển thành cộng đồng sinh thái và cơ sở lưu trú để phục vụ khách du lịch, giúp họ có thể trải nghiệm văn hóa bản địa trọn vẹn.

Tuy vậy, hoạt động săn bắt và khai thác gỗ quá mức đang đe dọa đến sự đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước tại hồ Tarapoto. “Các vùng đất ngập nước theo công ước Ramsar phải được bảo tồn và khai thác bền vững. Không thể tiến hành xây dựng những cơ sở hạ tầng có quy mô lớn tại khu Ramsar như hồ Tarapoto”, Saulo Usma, chuyên gia của WWF Colombia cho biết.

Khung cảnh bình yên ở hồ Tarapoto. Ảnh: CNN.

Vai trò của cư dân bản địa

Lilia Isolina Java Tapayuri, người đứng đầu bộ tộc Cocama, cho rằng việc vùng đất ngập nước ở hồ Tarapoto trở thành khu Ramsar là cơ hội để các dân tộc miền Tây Nam Mỹ bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và xã hội.

Làm việc với cư dân bản địa là một phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ đa dạng sinh học của hồ Tarapoto. Viện Sinchi, tổ chức môi trường ở Colombia, đã hợp tác với những người dân địa phương nhằm xây dựng kế hoạch quản lý vùng đất ngập nước này, bao gồm thu thập dữ liệu, giám sát cộng đồng và kiểm soát hoạt động đánh bắt, săn bắn trong hồ Tarapoto.

Cư dân bản địa có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học ở hồ Tarapoto. Ảnh: Ramsar.

Viện Sinchi cũng giới thiệu và hướng dẫn dân làng để bắt đầu dự án du lịch tập trung vào các loài chim. “Những người tham gia sẽ được đào tạo về phương pháp quan sát, xác định loài và sử dụng hướng dẫn về chim”, Osorno, nhà sinh vật học vùng Amazon, giải thích.

Điều cần thiết nhất là thúc đẩy hoạt động quản lý và bảo tồn, nhằm đảm bảo sự đa dạng di truyền của các loài sinh vật, hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân bản địa tại vùng đất ngập nước hồ Tarapoto, đặc biệt là các tộc người Ticuna (Maguta), Cocama và Yagua.

“Du khách sẽ tận hưởng cuộc sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên sau khi tham quan hồ Tarapoto”, Osorno kết luận.