Phê duyệt Đề án xây dựng “Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương”

Đề án “Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 16/8.

Theo Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết với lượng rác thải nhựa 1,8 triệu tấn/năm, Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương mỗi năm.

Cứ mỗi phút trôi qua, trên thế giới lại có 1 triệu chai nhựa được bán ra. Ở Việt Nam, lượng rác thải nhựa là hơn 2.500 tấn/ngày. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, con số này lên tới 80 tấn/ngày.

Với quan điểm tiên phong trong khu vực về giải quyết các vấn đề rác thải nhựa đại dương, Đề án góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả.

Rác thải nhựa là nguyên nhân gây thảm họa ô nhiễm đại dương. (Ảnh: Báo TN&MT)

Theo đó, Đề án nhằm mục tiêu bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn nhân lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, bảo đảm quyền và lợi ích, nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.

Đồng thời, thiết lập cơ chế điều phối hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong suốt quá trình chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận; chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực của đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác đàm phán…

Để thực hiện mục tiêu trên, Đề án đã đưa ra 6 nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: Xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán; thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu; bố trí nguồn lực công tác chuẩn bị đàm phán; thiết lập cơ chế điều phối; huy động hỗ nguồn lực trong nước và quốc tế.

Cùng với đó là tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia trong việc đăng cai tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về ô nhiễm nhựa đại dương; khẳng định trách nhiệm, nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu.

Trong đó, Bộ TN&MT là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương làm cơ sở xây dựng lập trường của Việt Nam trong đàm phán Thỏa thuận.

Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp, Ngoại giao và các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, đánh giá các quy định pháp luật trong và ngoài nước về quản lý chất thải nhựa và rác thải đại dương để chuẩn bị cho việc xây dựng Thỏa thuận. Mặt khác, chuẩn bị thủ tục đề xuất đàm phán, ký kết Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương…

“Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó có vấn đề rác thải nhựa đại dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế quốc tế, bối cảnh khu vực; nhằm phát huy vai trò, vị thế tài nguyên biển của Việt Nam thì việc chủ động trong đàm phán, xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương đặt ra những yêu cầu, cân nhắc về mặt lợi ích, quyền lợi và nghĩa vụ cũng như thời gian tham gia, bảo đảm phù hợp với pháp luật trong nước về bảo vệ môi trường của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh.