Những động vật tuyệt chủng trong tự nhiên được đưa trở lại

Bằng phương pháp nuôi nhốt và nhân giống, các nhà khoa học đã giúp tái tạo lại các quần thể động vật tuyệt chủng trong tự nhiên để giúp chúng trở lại môi trường sống một lần nữa.

Linh miêu Á-Âu đã tuyệt chủng ở Trung Âu từ thế kỷ 19, gần đây chúng đã xuất hiện trở lại ở Pháp, Italy, Áo, Đức, Thụy Sĩ, nhờ chương trình tái hồi phục năm 1970. Tuy nhiên loại này đang bị phân mảnh ở các khu vực sinh sống riêng biệt và các nhà khoa học chưa tìm được cách kết nối các nhóm nhỏ này lại.
Quỷ Tasmania từng sống ở Australia 3.000 năm trước. Loài động vật có túi dễ thương này không thể cạnh tranh được với các loài xâm lấn và dần biến mất. Năm 2020, chúng được đưa trở lại bang New South Wales trong một chương trình nhân giống đặc biệt nhằm kiểm soát số lượng cáo và mèo hoang tại đây.
Cá sấu Dương Tử từng phổ biến khắp sông Dương Tử, tuy nhiên số lượng chúng giảm mạnh khi phần lớn môi trường sống bị chuyển thành ruộng lúa. Năm 2019, Trung Quốc quyết định khoanh vùng các khu bảo tồn trên sông và thả cá sấu trở lại, giúp số lượng của chúng tăng lên đáng kể.
Bò rừng bison Steppe từng là một phần quan trọng trong hệ sinh thái của Anh cho đến khi loài động vật có vú khổng lồ này tuyệt chủng 10.000 năm trước. Dự án đưa bò rừng bison châu Âu (có họ hàng gần với giống Steppe) trở lại Anh, quốc gia cạn kiệt thiên nhiên nhất thế giới, đang từng bước diễn ra. Dự kiến năm 2022 đàn bò rừng đầu tiên sẽ được thả vào khu rừng gần thành phố Canterbury.
Linh dương sừng thẳng Ả Rập có thể tồn tại dễ dàng trong môi trường khắc nghiệt, khô cằn của sa mạc. Tuy nhiên do bị săn bắn lấy thịt, da và sừng, loài này đã biến mất vào những năm 1970. Các chương trình nhân giống và bảo tồn đã đem lại hiệu quả tích cực khi hiện nay ước tính có khoảng 1.200 con linh dương hoang dã ở Saudi Arabia, Jordan, UAE, Oman, và Israel.
Thế kỷ 20 chứng kiến sự sụt giảm đáng kể số lượng tê giác đen, chỉ còn lại 2.400 con trong tự nhiên những năm 1990. Thời gian gần đây, nỗ lực bảo tồn giúp số lượng tê giác tăng gấp đôi, và đang được đưa trở lại các quốc gia mà chúng từng tuyệt chủng. Tuy nhiên, việc di chuyển loài động vật nặng trung bình 1,3 tấn này không dễ dàng. Nghiên cứu mới nhất chỉ ra việc treo ngược lại khi vận chuyển bằng trực thăng tốt cho sức khỏe tê giác hơn là để nằm nghiêng.
Trong khoảng năm 1995-1997, 41 con chó sói đã được thả trở lại Công viên quốc gia Yellowstone (Wyoming, Mỹ). Sự vắng mặt của quần thể chó sói trong 70 năm tại đây ảnh hưởng lớn đến cân bằng sinh thái, khiến số lượng nai sừng tấm tăng vượt tầm kiểm soát. Đến năm 2020, có ít nhất 94 con sói trong công viên và 500 con ở các khu vực khác. Chúng có thể săn bắt tự do trong 85% lãnh thổ của tiểu bang.
Ngựa hoang Przewalski (ngựa hoang Mông Cổ) gần như tuyệt chủng trên các thảo nguyên Trung Á từ những năm 1960. Mông Cổ là quốc gia đi tiên phong trong nỗ lực đem giống ngựa này trở lại thảo nguyên từ năm 1992. Đến năm 2018, ước tính có 500 con ngựa hoang ở Mông Cổ. Trung Quốc và Nga cũng khởi động chương trình bảo tồn ngựa và thu được tín hiệu rất tích cực. Số lượng loài này trong tự nhiên và nuôi nhốt hiện đang là 1.900 con.
Nạn săn bắn và mất môi trường sống khiến sói lửa gần như tuyệt chủng trên thế giới những năm 1970. Các nhà bảo tồn đã thu gom những con còn sót lại trong một chương trình nhân giống và thả 4 cặp trở lại North Carolina năm 1987. Số lượng loài này tăng trở lại và đạt 130 con vào năm 2006. Tuy nhiên việc quản lý yếu kém đang khiến chúng đối diện nguy cơ tuyệt chủng lần thứ 2.
Chồn marten dần biến mất khỏi các khu rừng ở Anh trong thế kỷ 20, điều này khiến loài sóc xám – thức ăn chính của chồn – phát triển bùng nổ. Năm 2017, các nhà khoa học đã đưa 50 con chồn trở lại Anh với hy vọng tái tạo lại quần thể của chúng. Theo kế hoạch, cuối năm nay sẽ có thêm một đợt thả nữa.
Tuần lộc sinh sống ở Scotland cách đây hàng nghìn năm, nhưng lần cuối cùng người ta nhìn thấy chúng là thế kỷ 13. Tới năm 1952, một quần thể nhỏ tuần lộc được đưa trở lại Scotland và chúng đã phát triển số lượng lên 150 con trong những năm gần đây. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về tác động của chúng đối với môi trường.
Hải ly đã biến mất khỏi các con sông ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ở Anh, loài này không còn tồn tại trong tự nhiên đã 400 năm. Loài gặm nhấm này đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, giúp điều tiết dòng nước, tránh lũ lụt. Thậm chí chúng còn tự xây các đập để để khoanh vùng cá, điều này giúp số lượng cá tăng lên đáng kể dù là thức ăn của hải ly. Chương trình tái nhân giống hải ly đang bắt đầu ở Anh đem lại những tín hiệu khả quan khi chúng dần xuất hiện trở lại.
Số lượng báo săn (cheetah) đã giảm 93% trong thế kỷ 20 do nạn săn bắn và mất môi trường sống. Chúng đã tuyệt chủng tại nhiều vùng lãnh thổ ở Ấn Độ và châu Phi. Chương trình bảo tồn tại Công viên quốc gia Liwonde (Malawi) đã chứng kiến báo săn lần đầu săn mồi trở lại tại đây sau 20 năm. Tuy nhiên do quần thể báo săn tại đây còn ít nên chúng đang đối diện việc thiếu đa dạng di truyền, dễ mắc bệnh tật.
Gà nước Guam gần như tuyệt chủng năm 1970 khi bị ăn thịt bởi một loài rắn xâm lấn. Năm 1981, 21 cá thể gà nước được đem về nuôi nhốt, nhân giống trở lại. Nỗ lực đó đã được đền đáp khi giờ đây khoảng 200 cá thể ở đảo Rota (Mỹ), khoảng 60-80 con đang sống tại Cocos (quần đảo ở gần Guam). Các nhà bảo tồn hy vọng họ có thể đưa loài này trở lại Guam trong vài năm tới.