Nhiều ​cây ươi trong rừng đặc dụng ở Quảng Nam bị chặt phá

Nhiều người chỉ xem ươi là loại cây khai thác một lần, chặt hạ không thương tiếc.

Mới đây, người dân xã Phước Ninh (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM việc hàng chục cây ươi nằm trong khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (thuộc rừng đặc dụng) bị chặt hạ.

Ươi bị chặt hạ

Theo chân người dẫn đường (xin được giấu tên), chúng tôi băng ngang lòng hồ thủy điện Khê Diên (đoạn thuộc xã Phước Ninh). Cùng lúc, những tốp người lượm hạt ươi bên trong khu rừng đi ra ngoài. Tưởng chúng tôi là dân lượm hạt ươi, một người trong nhóm liền nói: “Bây giờ đi vô đó đếm gốc thôi chứ ươi đâu còn (!?)”.

Sau khoảng 1 giờ đi bộ, chúng tôi bất ngờ trước khung cảnh nhiều cây ươi cao 20-30 m trơ trụi, không có lá. Theo người dẫn đường, chỉ một tháng trước, ươi nhuộm đỏ cả cánh rừng nhưng giờ đã khác hẳn, không tưởng tượng được.

Cây ươi có đường kính hai người ôm, tuổi đời khoảng 30-40 năm tuổi bị chặt hạ lấy hạt. (Ảnh: Thanh Nhật)

“Nhóm tôi đi lượm hạt ươi thường dùng ná bắn thử, nếu có hạt ươi già, chín rơi xuống thì mới trèo lên rung. Còn nhiều nhóm khác, họ vào đây lập lán, dựng lều ở lại nhiều ngày, cứ nhìn trên cây thấy đỏ là trèo lên chặt cành hoặc chặt luôn gốc không thương tiếc” – anh này chua xót.

Vào sâu trong rừng, chúng tôi tiếp cận hai trong số nhiều cây ươi bị chặt hạ. Một cây có đường kính chừng 30-40 cm nằm vắt ngang qua khe suối, cây còn lại hai người ôm không xuể, đường kính lên đến 80 cm ngã theo sườn núi.

Theo kinh nghiệm của người dẫn đường, những cây này có tuổi đời 30-40 năm. Để qua mắt lực lượng chức năng, những người chặt hạ ươi không dùng cưa, chỉ dùng rìu. “Gỗ cây ươi mềm, chặt rất dễ. Cưa rất khó mang vào, nếu mang vào được thì khi cưa cũng dễ bị lực lượng chức năng phát hiện” – anh dẫn đường chia sẻ.

Còn nhớ, năm 2014, khi cây ươi chưa được quản lý chặt, nhiều nhóm người đã vào rừng chặt hạ cây ươi để lượm hạt. Bốn năm một mùa nhưng kể từ đó, đã bảy năm ươi mới ra hạt một lần.

“Mình đối xử tệ với cây ươi, nó cũng sẽ đối xử tệ với mình. Cứ chặt hạ thế này thì đời con, đời cháu chắc không biết hạt ươi như thế nào. Dù có lực lượng quản lý nhưng ý thức của người dân vẫn quan trọng nhất!” – anh thở dài.

Lực lượng mỏng, khó quản lý

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Ban quản lý Bảo tồn loài và sinh cảnh voi (huyện Nông Sơn; gọi tắt là BQL), cho biết đầu mùa ươi BQL đã tổ chức tuần tra kiểm soát, thành lập các trạm, chốt quản lý cả trong lẫn ngoài, phối hợp với công an huyện đẩy đuổi ghe thuyền ra khỏi khu vực lòng hồ, canh giữ các chốt.

Vào mùa, lực lượng thường trực ghi nhận có tình trạng người dân vào rừng dựng lán, lều ở lại nhiều ngày để lượm hạt ươi. Mặc dù đã nhắc nhở người dân không được chặt nhưng vẫn xảy ra tình trạng chặt nhánh.

“Thật sự BQL vẫn biết, vẫn nắm nhưng họ canh những lúc anh em đi vào rừng hoặc trời tối họ chặt (cành). Có lúc phát hiện 10 giờ, 12 giờ đêm họ còn ở trên ngọn cây rất nguy hiểm, khi mình đứng đó họ không xuống, để mình đi xa họ xuống rồi bỏ chạy, rất khó xử” – ông Dưỡng nói.

Nói về vấn nạn chặt hạ cây ươi, ông Dưỡng cho rằng diện tích lớn, lực lượng mỏng nên rất khó kiểm soát hết. Qua rà soát, BQL phát hiện gần 10 cây ươi bị chặt để lấy hạt, đường kính trung bình 25-35 cm. Đồng thời, BQL sẽ tiếp tục kiểm đếm số cây ươi bị chặt hạ trong lâm phận.

“Mỗi tổ quản lý khoảng 3.000 ha. Anh em di chuyển ra vào trong rừng, có thể họ lợi dụng thời điểm này để chặt hạ” – ông Dưỡng đặt giả thuyết.

Theo ông Dưỡng, dù BQL cố gắng tuần tra kiểm soát bảo vệ cây ươi nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân. Đối với người dân vùng cao sống phụ thuộc vào rừng, họ hiểu lợi ích của cây ươi nên có ý thức giữ gìn. Còn những người xem cây ươi là loại khai thác một lần rất khó quản lý.

“Tình trạng chặt cành, hạ cây ươi chắc chắn có nhưng đã hạn chế hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Trước mùa ươi, BQL đã tuyên truyền rất nhiều. Nhưng quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào ý thức người dân” – ông Dưỡng cho hay.

Hành vi phá rừng trái phép

Việc chặt hạ ươi là hành vi phá rừng trái phép. Đối với rừng đặc dụng như trong khu bảo tồn, khối lượng gỗ phá hoại từ 3 m3 trở lên sẽ bị khởi tố vụ án để điều tra.

Khi tuần tra kiểm soát, BQL phát hiện và lập biên bản đối với một người ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam có hành vi chặt hạ cây ươi đường kính 40 cm. Trong quá trình dẫn giải ra khỏi lâm phận, người này đã lợi dụng trời mưa bỏ chạy. BQL đã gửi thông tin cho xã địa phương xác minh, xử lý theo quy định.

Ông MAI VĂN DƯỠNG, Phó Giám đốc BQL Bảo tồn loài và sinh cảnh voi (huyện Nông Sơn, Quảng Nam)