Các loài bị thay thế trong đường dây buôn lậu động vật hoang dã

Với giá trị hàng năm ước tính từ 7 đến 23 tỷ đô la, buôn bán trái phép động vật hoang dã là một ngành kinh doanh béo bở có thể nhanh chóng tiêu diệt các loài động vật hoang dã được nhắm mục tiêu.

Khi các quy định về thương mại được tăng cường đối với một sản phẩm động vật hoang dã cụ thể trong khi nhu cầu về sản phẩm đó vẫn cao, những đối tượng buôn lậu sẽ bất chấp thủ đoạn để đáp ứng nhu cầu bằng cách thay đổi tuyến đường buôn lậu, khai man các tờ khai lô hàng, làm giả giấy phép, điều chỉnh các kỹ thuật che giấu. Đặc biệt, trong trường hợp một loài bị tuyệt chủng ở một khu vực do bị khai thác quá mức, các nhóm tội phạm sẽ tìm kiếm các địa điểm khác có thể cung ứng nguồn hàng hoặc kiếm tìm các loài/sản phẩm thay thế để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Báo cáo Tội phạm về Động vật hoang dã 2020 do Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) công bố cho biết kiểu thay thế loài rất phổ biến ở các thị trường gỗ, nơi mà chính chuyên gia cũng khó phân biệt được gỗ của các loài liên quan. Các loài gỗ trắc vốn có nhu cầu cao trong việc làm đồ nội thất ở châu Á thường hay bị thay thế nhất, trong đó gỗ giáng hương Tây phi (Pterocarpus erinaceus) sẽ được khai thác để thay thế các loại gỗ trắc châu Á đang cạn kiệt và một khi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với Pterocarpus erinaceus được áp dụng, các loài gỗ khác ở châu Phi sẽ tiếp tục được nhắm mục tiêu để thay thế.

Thay xương hổ bằng xương sư tử, xương báo

Cũng trong Báo cáo năm 2020, UNODC xác nhận rằng để cung cấp cho thị trường ở Trung Quốc – nơi buôn bán nội địa đối với các bộ phận của hổ bị cấm từ năm 1993, những kẻ buôn lậu đã thay thế xương hổ bằng xương sư tử, báo đốm và báo hoa mai. Các phát hiện từ báo cáo năm 2018 của tổ chức Born Free cũng cho thấy việc buôn bán xương sư tử đang đe dọa quần thể sư tử hoang dã ở châu Phi và hổ hoang dã ở châu Á do các tổ chức tội phạm thường sử dụng xương sư tử làm sản phẩm thay thế cho xương hổ trong các sản phẩm rượu ngâm hoặc làm thuốc ở một số cộng đồng Đông Á mà đôi khi chính người dùng không hề hay biết hoặc phân biệt được.

Sư tử (Nguồn: MyAngelG/Flickr)

Việc buôn bán hợp pháp xương và bộ xương sư tử được nuôi nhốt cũng có thể được các tổ chức tội phạm sử dụng làm vỏ bọc để “rửa” xương và bộ xương thu được bất hợp pháp từ động vật hoang dã. Đây cũng là lý do thôi thúc Born Free vận động dừng khẩn cấp việc nuôi sư tử và săn bắn sư tử nuôi nhốt. Tháng 5/2021, Nam Phi thông báo sẽ xem xét lại việc nuôi sư tử trong điều kiện nuôi nhốt nhằm phục vụ săn bắn chiến lợi phẩm hoặc cho khách du lịch làm vật nuôi – đây là quyết định có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ sư tử hoang dã trên khắp châu Phi, bao gồm cả Tây Phi – nơi sư tử đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Thay vảy tê tê bằng da cá

Trước năm 2000, Hoa Kỳ là nước nhập khẩu vảy tê tê với số lượng lớn, tuy nhiên, khi số lượng tê tê giảm đáng kể khiến vảy tê tê khó mua hơn, các nhà nhập khẩu bắt đầu thay thế bằng da cá hải tượng long (arapaima), loài cá nước ngọt lớn nhất có nguồn gốc từ lưu vực sông Amazon, hiện đang bị đe dọa bởi thương mại quốc tế và được liệt kê trong Phụ lục II Công ước CITES.

Da cá hải tượng long (arapaima) được sử dụng để thay thế cho vảy tê tê (Nguồn: Dirk Meyer / Wikimedia)

Tê tê hiện là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Trước khi tê tê bị khai thác quá mức ở châu Phi, các loài tê tê châu Á đã bị tiêu diệt do nạn săn trộm và buôn bán bất hợp pháp – đây cũng là minh chứng cho thấy những kẻ buôn lậu đã chuyển hướng khai thác sang các khu vực khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu bất hợp pháp trên các châu lục.

Cá thể tê tê (Nguồn: Vickey Chauhan / Shutterstock)

Mỏ hồng hoàng thay thế ngà voi

Hồng hoàng mũ cát (Rhinoplax vigil) là một loài chim lớn được tìm thấy ở các khu rừng thuộc Đông Nam Á. Hiện loài đang bị săn lùng ráo riết để lấy mỏ – bộ phận bị thay thế cho các sản phẩm được làm từ ngà voi. Nhu cầu về sự thay thế này đang tăng lên ở Trung Quốc, nơi mỏ hồng hoàng thường được chạm khắc để làm đồ trang trí và trang sức. Sách đỏ IUCN đã liệt hồng hoàng mũ cát vào nhóm cực kỳ nguy cấp và loài này cũng nằm trong Phụ lục I Công ước CITES.

Chiếc “mũ sắt” của hồng hoàng mỏ cát được săn lùng để thay thế cho các sản phẩm làm từ ngà voi (Nguồn: Doug Janson / Wikimedia)

Hải sâm thay vây cá mập

Tại Hoa Kỳ, hải sâm (holothuria) dường như đang thay thế cho vây cá mập trong món súp. Hiện cả hai loài đều bị đe dọa do bị đánh bắt quá mức; 14 loài cá mập và 3 loài hải sâm đã bị liệt vào Phụ lục II của Công ước CITES.

Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tuyệt chủng với hơn 1 triệu loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó buôn bán trái phép động vật hoang dã đóng vai trò cốt tử trong việc làm suy giảm các loài động vật hoang dã và đa dạng sinh học, tội phạm động vật hoang dã ngày càng hoạt động tinh vi và bất chấp thủ đoạn. Do đó, thế giới cần giải quyết vấn đề thay thế buôn bán động vật hoang dã ở hai cấp độ: giảm nhu cầu và tăng năng lực thực thi pháp luật.

Việc buôn bán trái phép động vật hoang dã sẽ không tồn tại nếu nhu cầu về các sản phẩm từ động vật hoang dã không tồn tại. Vì vậy, điều quan trọng là phải đầu tư vào các sáng kiến ​​giảm thiểu nhu cầu, chẳng hạn như các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và các chương trình giáo dục nhằm vào người dân ở các nước tiêu thụ chính. Bên cạnh đó, cần đầu tư nâng cao năng lực thực thi pháp luật tại các quốc gia nguồn, điểm quá cảnh và điểm đến để các cán bộ có thể xác định các loài bị buôn bán trái phép, tịch thu và bắt giữ cũng như ngăn chặn các sản phẩm động vật hoang dã.

Thảo Vân (Theo onegreenplanet.org)

Nguồn: