Quần thể cá mập rạn san hô ở Panama giảm gần 3 lần trong 7.000 năm qua

Một nghiên cứu mới đây tiết lộ quần thể cá mập rạn san hô ở Panama đã giảm gần 3 lần trong gần 7.000 năm qua, phần lớn là do mất môi trường sống.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, các nhà nghiên cứu đã so sánh sự phong phú và đa dạng của vảy cá mập từ một rạn san hô có niên đại 7.000 năm tuổi ở Panama với những vảy cá trong trầm tích rạn san hô ngày nay. Họ phát hiện một số lượng lớn các loài cá mập đã suy giảm, đặc biệt là những loài bơi lội nhanh nhẹn.

Quần thể cá mập rạn san hô ở Panama đã giảm gần 3 lần trong 7.000 năm qua. Ảnh: AFP

Nhà sinh thái học Erin Dillon cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng sự phong phú của cá mập rạn san hô suy giảm mạnh nhất trong nửa sau của thế kỷ 20. Một số loài cá mập nhất định như cá mập đầu búa suy giảm với tốc độ nhanh hơn những loài khác, như cá mập y tá”.

“Những phát hiện này cho chúng ta cái nhìn mới về quần thể cá mập trông như thế nào trên một rạn san hô trong quá khứ, đồng thời giúp thiết lập các biện pháp quản lý và bảo tồn phù hợp hơn với từng vị trí cụ thể”.

Vảy cá mập có thể giúp các nhà khoa học phân tích các loài cổ đại nhờ thành phần tương tự răng. Ảnh: University of California, Santa Barbara (UCSB)
Các chuyên gia đã so sánh vảy cá mập từ một rạn san hô cổ đại với trầm tích rạn san hô ngày nay. Một số lượng lớn các loài cá mập đã giảm sút, đặc biệt là những loài bơi lội nhanh nhẹn. Ảnh: University of California, Santa Barbara (UCSB)

Nhà nghiên cứu Dillon giải thích: “Sự sụt giảm lớn như vậy trong thời gian qua không đơn giản chỉ vì hoạt động đánh bắt, bởi chúng có giá trị thương mại thấp và hiếm khi bị ngư nghiệp trong khu vực nhắm đến. Điều đó cho thấy nguyên nhân chính là do mất môi trường sống”.

Trước đó, vào tháng 7.2020, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quần thể cá mập đã biến mất khỏi gần 20% các rạn san hô trên thế giới.