Thái Lan nỗ lực chống buôn bán động vật hoang dã qua đường biển

Container hiện là phương thức vận chuyển phổ biến nhất đối với các sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp. Thái Lan đang nỗ lực lật ngược tình thế đối với các nhóm buôn lậu nhưng sẽ cần một loạt chính sách, công cụ tốt hơn cùng sự tin tưởng và hợp tác chặt chẽ trong khu vực.

Trong những năm gần đây, các cảng và ngành công nghiệp đánh bắt của Thái Lan hứng nhận nhiều chỉ trích liên quan đến nạn buôn người và các hoạt động bất hợp pháp như lao động cưỡng bức và khai thác IUU (bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát). Tình hình tệ đến mức Hoa Kỳ đã xếp Thái Lan vào nhóm thấp nhất trong Báo cáo hàng năm về tình hình buôn người trên toàn cầu năm 2015 và Ủy ban châu Âu đe dọa áp đặt lệnh cấm thương mại trong cùng năm đối với việc đánh bắt IUU tại vương quốc này.

Sau khi thực hiện một số bước tiến để cải thiện hình ảnh vốn được xem là cửa ngõ châu Á cho các loại hàng hóa bất hợp pháp, ngành hàng hải Thái Lan lại đang đối mặt với một hoạt động tội phạm khác có thể gây ra mối đe dọa sâu sắc hơn – buôn lậu ĐVHD.

Với tổng giá trị thu về từ 7 – 23 tỉ đô la mỗi năm, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp chỉ đứng sau buôn ma túy, buôn người và vũ khí. Trong đó, Thái Lan hiện được xem là nguồn cung cấp, điểm trung chuyển và điểm đến của ĐVHD bị buôn lậu. Điều này cho thấy sự cần thiết phải hợp tác với xứ xở chùa vàng trong cuộc chiến chống buôn bán ĐVHD toàn cầu, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh.

Cá thể tê tê được giải cứu tại Trung tâm Kiểm dịch động vật hoang dã ở Thái Lan (Ảnh: USAID Asia, CC BY-SA 2.0/IFPRI Flickr)

Việc đo lường các ngành công nghiệp đen là vấn đề nan giải nhưng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tin rằng khoảng 72% đến 90 % ĐVHD (trong số này, động vật sống chỉ chiếm phần nhỏ, phần lớn là các bộ phận từ ĐVHD như ngà voi và gỗ hiếm như gỗ trắc) bị buôn lậu qua đường biển.

Với những hậu quả đối với sức khỏe con người, nền kinh tế và trái đất, các chính phủ ngày càng quan tâm truy quét buôn lậu ĐVHD. Tại Thái Lan, một trong những động lực thôi thúc chính phủ chống buôn bán ĐVHD bất hợp pháp là điều này sẽ góp phần giảm nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai.

Tại một hội thảo tổ chức hồi tháng 3, chính phủ Thái Lan cùng 33 công ty hàng hải và tập đoàn công nghiệp đã ký cam kết hợp tác trong chống buôn lậu ĐVHD. Một mặt, quốc gia này thúc đẩy thành lập Hiệp hội Mạng lưới thực thi ĐVHD các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN – WEN) và chủ trì nhóm công tác ASEAN về vấn đề này, mặt khác Thái Lan củng cố luật pháp chống buôn lậu thông qua việc ban hành Đạo luật bảo tồn và bảo vệ ĐVHD năm 2019. Đạo luật bao gồm danh mục mới đối với các loài không có nguồn gốc bản địa, được Công ước CITES liệt kê là “đã được kiểm soát” và tăng đáng kể mức phạt tối đa đối với các vi phạm liên quan đến các loài này. Buôn lậu trực tuyến cũng bị xử phạt ở mức cao.

Mặc dù luật pháp được thắt chặt hơn, song Cố vấn Cục Hải quan Thái Lan Chaiyut Kumkun vẫn lo ngại đối với hoạt động buôn lậu trên biển, ông cho rằng buôn lậu tại các cảng biển khó kiểm soát hơn vì lượng hàng hóa lớn, đặc biệt là khi hàng được vận chuyển bằng container hoặc chủ hàng cố tình khai báo sai số lượng, chủng loại. Với khối lượng hàng hóa khổng lồ, việc kiểm tra dù chỉ một phần đáng kể trong số đó cũng là điều không thể. Số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy có tới gần 10,8 triệu container đã di chuyển qua các cảng của Thái Lan trong năm 2019.

Thêm điểm đáng ngại mà ông Chaiyut chỉ ra là các quan chức cảng thường hạn chế về năng lực và nguồn lực để kiểm tra các container, mặt khác việc tăng cường kiểm tra có thể tạo ra nút thắt cổ chai tác động ngược tới doanh nghiệp, nền kinh tế cùng sự hấp dẫn của nhà đầu tư. Thống kê cho thấy chỉ 24% container nhập khẩu được kiểm tra thực tế hoặc chiếu tia X, thấp hơn so với tỷ lệ container xuất khẩu. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với an ninh con người, môi trường và kinh tế.

Giám đốc chương trình TRAFFIC Monica Zavagli cho rằng “điều quan trọng là cần có các công cụ tốt hơn để đánh giá rủi ro và đây được xem là chìa khóa để cân bằng giữa tạo thuận lợi thương mại và an ninh”.

Theo Zavagli, trong khi một số bộ phận của chuỗi cung ứng thực hiện tốt việc đánh giá rủi ro thì bộ phận khác lại làm việc không hiệu quả. Tất cả mọi cá nhân hoạt động dọc theo tuyến vận tải cần được biết về chỉ dấu “báo động đỏ”. Chúng bao gồm các thủ tục giấy tờ đáng ngờ hoặc không chính xác; hồ sơ theo dõi hoặc lịch sử của các công ty/cá nhân hoặc thiếu các thông tin này; cảng xuất phát hoặc điểm đến là nơi buôn bán hoặc tiêu thụ ĐVHD tràn lan; các tuyến đường và điểm dừng không hợp lý; các cảng ở những địa điểm tồn tại nạn tham nhũng. Danh sách chỉ dấu báo động đỏ cần được mở rộng và chi tiết hóa. TRAFFIC dự định xuất bản bản danh sách này cho ngành hàng hải trong vài tháng tới.

Về phần mình, nhiều công ty vận tải biển Thái Lan cảm thấy họ đã và đang làm những gì có thể. Vorapipatkul, Quản lý Hiệp hội đại lý và chủ tàu Băng Cốc, đơn vị quản lý 60 công ty thành viên cho biết việc tìm kiếm các chỉ dấu báo động đỏ và thẩm định hiện đã được thực hiện bởi tất cả các hãng tàu trong việc sàng lọc đặt chỗ, còn phần còn lại thì “thực sự phụ thuộc vào Cục Hải quan để chống nạn buôn lậu”.

Theo Vorapipatkul, bộ phận thực thi của Cục Hải quan bật mí là chính phủ đang trong quá trình xây dựng kế hoạch hành động để đối phó với nạn buôn lậu bằng container, tuy nhiên để mang lại kết quả cần đòi hỏi thời gian, nguồn lực, nhân lực và thiết bị.

Ủng hộ quan điểm cho rằng “hợp tác với khu vực tư nhân và các quốc gia xuất khẩu là cần thiết”, Vorapipatkul mong muốn nhìn thấy một đội đặc nhiệm về hàng hóa đường biển được thành lập để tiến hành các cuộc điều tra chuyên sâu. Hải quan có một danh sách đầy đủ các chỉ dấu báo động đỏ và các thiết bị công nghệ hiện đại. Phía Hải quan thì thừa nhận họ đang gặp một số cản trở xuất phát từ sự thiếu tin tưởng giữa các bên và vấn đề quyền tài phán.

Khi hàng hóa bị nghi ngờ hoặc là hàng lậu bị giữ lại hoặc bị thu giữ, các cơ quan chính phủ phải có trách nhiệm xử lý, thậm chí truy tố, tùy tính chất vụ việc. Tuy nhiên, cả chủ hàng và phía Hải quan đều phàn nàn các container bị giữ có thể phải đợi trong nhiều năm để chờ được giải quyết. Cách phản ứng trì trệ, rời rạc này cần phải được cải cách.

Steve Galster, đại diện tổ chức Freeland cho rằng cải cách mạnh mẽ nhất mà Thái Lan và các quốc gia khác có thể thực hiện là cấm tất cả hoạt động mua bán và buôn bán ĐVHD chứ không chỉ tập trung riêng vào các loài quý hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Việc đóng cửa hoàn toàn sẽ là bước hiệu quả nhất để ngăn chặn tội phạm. Bên cạnh đó, trong thời gian ngắn, cần thúc đẩy cải cách pháp lý khác tích hợp trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ kiểm tra và phát hiện các chỉ dấu báo động đỏ hiệu quả. Ngoài ra, cần đào tạo thường xuyên, liên tục cho tất cả mọi người trong chuỗi cung ứng. Cuối cùng, việc khai thác thông tin từ các đối thủ của nhóm buôn lậu hoặc những đối tượng liên quan cũng là cách thu thêm thông tin về các nhóm tội phạm.

Phương Nga (Theo eco-business.com)

Nguồn: