Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi ni lông/tháng, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni lông.
Tại buổi toạ đàm “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam” vào ngày 9/6, các nhà khoa học, cán bộ quản lý đã chia sẻ về những vấn đề nóng hiện nay như: Thực trạng rác thải nhựa; cơ chế chính sách trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam; khó khăn trong công tác thu gom và một số giải pháp công nghệ hiện đại xử lý rác thải nhựa; đề xuất thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tăng cường tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam.
Theo thống kê Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi ni lông/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni lông. Lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8 – 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 – 12% số lượng chất thải nhựa, túi ni lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Về nội dung hạn chế cơ chế chính sách và một số giải pháp, PGS.TS Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết: Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải ngày càng được hoàn thiện, tuy nhiên, vẫn còn chưa đầy đủ hoặc còn những bất cập nhất định. Chất thải nhựa là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, lại có những tác động rất nguy hại tới môi trường, tuy nhiên, chưa có các quy định cụ thể để quản lý loại chất thải nhựa này đặc biệt là loại nhựa sử dụng một lần.
Hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn trong đó có chất thải nhựa về cơ bản đã được xây dựng, bao gồm: Chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ sản xuất (ưu đãi mặt bằng, vay vốn, giảm thuế…); chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế). Tuy nhiên, hệ thống chính sách này vẫn chưa đầy đủ và còn những bất cập, chưa thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn
Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, tại tọa đàm, nhiều diễn giả kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần xây dựng cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi nilong thân thiện môi trường. Cần tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilong khó phân hủy. Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; các cấp có liên quan cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ – tái chế – tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Công ty Welle đã giới thiệu công nghệ MYT của Đức thích ứng với điều kiện xử lý rác thải rắn sinh hoạt ở nước ta. Công nghệ này có giải pháp chế biến rác thải rắn sinh hoạt (dạng chưa phân loại, độ ẩm cao) thành nguyên liệu RDF (gồm chất hữu cơ, có thành phần có thể cháy được như nhựa).
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho biết: Nguy cơ từ ô nhiễm chất thải nhựa ngày càng gia tăng, việc quản lý chưa đúng cách, hiệu quả chất thải nhựa đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, sinh vật, đất, nước, biển và sức khỏe của con người.
Nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai rất nhiều chương trình, kế hoạch để từng bước giảm thiểu rác thải nhựa, tiến tới kiểm soát, quản lý một cách có hiệu quả chất thải nhựa. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ không sản xuất, nhập khẩu túi nilong khó phân hủy có kích thước nhỏ hơn 50×50 cm và độ dày nhỏ hơn 50 micromethan; hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học sau năm 2025 và chậm nhất đến 2030; quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu phải tái chế các sản phẩm, bảo bì do mình sản xuất, nhập khẩu và phải đóng góp tài chính vào quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.