Dân Sierra Leone lo lắng về bến cảng do Trung Quốc tài trợ

Người dân Sierra Leone phản đối việc chuyển đổi một ngôi làng thành bến cảng công nghiệp vì lo ngại dự án do Trung Quốc tài trợ sẽ phá hủy rừng và gây ô nhiễm đại dương.

Cách thủ đô Freetown 35 km về phía nam, làng Black Johnson nằm nép mình giữa bãi cát, bao quanh bởi khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, là nơi sinh sống của tinh tinh và các loài chim quý hiếm.

Bên cạnh là điểm đến thu hút khách du lịch của Sierra Leone, đầm phá xanh ngọc lam với những cây cọ ở đây cũng là nơi sinh sản theo mùa của cá và rùa.

Tuy nhiên vào tháng 5, chính phủ Sierra Leone đã công bố kế hoạch xây dựng cảng cá và khu liên hợp chế biến trong làng.

Dự án này đã làm dấy lên mối lo ngại về những tác động tàn phá cảnh quan địa phương, đe dọa các loài động vật và gây ô nhiễm môi trường, theo AFP.

Black Johnson là địa điểm được đề xuất để xây dựng bến cảng công nghiệp ở Sierra Leone. Ảnh: Handout.

Hậu quả “đầu tư” của Trung Quốc

Bộ Thủy sản Sierra Leone cho biết Trung Quốc đang tài trợ cho dự án trị giá 55 triệu USD để xây dựng cảng cá nhằm tạo việc làm, hỗ trợ ngành đánh bắt địa phương tại quốc gia còn nghèo đói.

Thế nhưng, thay vì giành được sự khen ngợi, hành động của Bắc Kinh đang gây ra những tranh cãi tại quốc gia châu Phi.

Ông Tommy Gbandewa, còn được đến với tên gọi Tito, chủ sở hữu nhà nghỉ sinh thái, đang dẫn đầu phản đối kế hoạch xây dựng trên những mảnh đất xanh.

“Nếu người Trung Quốc đến đây, môi trường sẽ hôi thối. Các bãi biển sẽ bốc mùi”, ông nói. “Nước ở đây sẽ bẩn vì dầu máy và nhiều tiếng ồn, tàu đánh cá sẽ có mặt ở khắp nơi”.

Cuộc tranh cãi này là trung tâm của nguồn cơn căng thẳng đã diễn ra từ lâu ở Sierra Leone, giữa một bên ủng hộ phát triển và bên còn lại yêu cầu bảo tồn.

Sự phản đối càng dâng cao khi chính phủ nước này đang tìm cách thúc đẩy du lịch sinh thái để thúc đẩy nền kinh tế của mình.

Chủ sở hữu nhà nghỉ sinh thái Tommy Gbandewa đang dẫn đầu phản đối kế hoạch xây dựng bến cảng do Trung Quốc tài trợ. Ảnh: AFP.

Sierra Leone là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và vẫn đang phục hồi sau cuộc nội chiến cướp đi sinh mạng của khoảng 120.000 người gần hai thập kỷ trước.

Mặc dù có ngư trường phong phú, nhưng việc khai thác nguồn thủy sản tại nước này còn nhiều hạn chế.

Không chỉ vậy, theo Bộ Thủy sản Sierra Leone, vào tháng 5, có khoảng 140 tàu đánh cá nước ngoài đánh bắt cá của nước này.

Những chủ tàu này sau đó đã chế biến và bán thủy sản của Sierra Leone ra nước ngoài “với rất ít hoặc không mang lại lợi ích gì cho Sierra Leone”.

Dẫu vậy, dù nhận được tài trợ của Bắc Kinh để xây dựng bến tàu đánh cá hiện đại, việc mập mờ trong kế hoạch triển khai khiến người dân địa phương không khỏi cảnh giác.

Một số người tin rằng các nhà đầu tư Trung Quốc có ý định xây dựng nhà máy sản xuất bột cá, mặc dù chính phủ của Sierra Leone đã bác bỏ cáo buộc với AFP.

Trong thời gian gần đây, hàng loạt các nhà máy sản xuất bột cá đã mọc lên như nấm dọc theo bờ biển Tây Phi.

Những nhà mày này khai thác lượng lớn hải sản và thường thải ra chất thải có mùi hôi thối, gây ô nhiễm nguồn nước, tàn phá môi trường địa phương và cản trở việc phát triển du lịch.

Nhà máy sản xuất bột cá thải ra chất thải độc hại là mối đe dọa đối với cộng đồng địa phương ở Sierra Leone. Ảnh: Handout.

Phát ngôn viên của hiệp hội ngư dân khai thác Wudie Bakie Koroma cho biết ông sẽ ủng hộ việc xây dựng bến cảng nếu được thực hiện một cách nghiêm túc.

“Nếu (nhà máy) sản xuất bột cá nằm trong dự án, chúng tôi sẽ kiên quyết phản đối”, ông nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, nhà ngoại giao Trung Quốc tại thủ đô Freetown Du Zijun đã tuyên bố dự án mới do nước này đầu tư là xây dựng một bến cảng chứ không phải là một “nhà máy sản xuất bột cá”.

“Những cáo buộc về việc không quan tâm bảo vệ môi trường và hủy hoại môi trường sinh thái hoàn toàn chỉ là thông tin mang tính giả thuyết giật gân”, ông nói thêm.

“Chúng tôi có quyền với đất đai”

Ngay sau khi thông tin chính quyền ký thỏa thuận 55 triệu USD với Bắc Kinh để Trung Quốc xây dự án trên 100 hecta biển và rừng bị lộ, người dân địa phương đã liên tục kiến ​​nghị để đảo ngược quyết định của chính phủ.

Ông Tito cho biết sự bất bình đã lan rộng. Các quan chức chính phủ đã đến cùng với những người đàn ông được trang bị vũ trang để khảo sát khu đất xây dựng.

“Thế nhưng tôi là người Sierra Leone và tôi có quyền đối với đất đai”, ông Tito nói.

Trước những cuộc tranh cãi, Bộ trưởng Ngư nghiệp Emma Kowa Jalloh, trong chuyến thăm gần đây tới làng Black Johnson đã hứa các chủ đất sẽ được bồi thường.

Theo bộ trưởng, chính quyền Trung Quốc sẽ đưa “trợ cấp” để xây dựng dự án, trong khi chính quyền Sierra Leone đầu tư bằng đất. Nửa diện tích đất cần thiết thuộc sở hữu nhà nước, phần còn lại sẽ được lấy qua quyết định thu hồi.

“Chúng tôi không chiếm đất”, bà nói và nhấn mạnh rằng dự án “rất cần thiết” để tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người.

Dự án mới dự kiến được xây dựng tại làng Black Johnson. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, tiến sĩ Sama Banya, chủ tịch danh dự Hội Bảo tồn Sierra Leone, cho rằng dự án trên sẽ có tác động “thảm họa” đối với nền du lịch và ngành ngư nghiệp.

Tổ chức phi chính phủ về môi trường Green Scenery đã cáo buộc chính phủ không thực hiện đúng trách nhiệm giải trình tác động môi trường của dự án và thúc giục hủy bỏ kế hoạch này.

“Black Johnson là điểm du lịch sinh thái duy nhất còn sót lại tại thủ đô Freetown, chúng ta cần phải bảo vệ nó”, giám đốc tổ chức Joseph Rahall cho biết.

Tuy nhiên, không phải tất cả người dân địa phương đều phản đối việc quy hoạch bến cảng.

Trưởng làng Pa Lamin Kargbo cho hay bến cảng có thể giúp cải thiện nơi mà người dân vẫn đang hàng ngày đối mặt với tình trạng thiếu nước, điện và trường học.

Ông giải thích phần lớn xích mích với chính phủ là do thiếu đối thoại.

“Chúng tôi đang kêu gọi giải quyết vấn đề một cách hòa bình, để mọi người đều là người chiến thắng”, ông nói.