Vụ đầm nước đổi màu ở Bà Rịa-Vũng Tàu: Nguyên nhân nước biến màu hồng tím là do tảo nở hoa

Sau khi phân tích mẫu nước ô nhiễm trong đầm chứa trước Cống số 6, Viện Sinh học nhiệt đới đã kết luận nước đổi màu hồng tím là do hiện tượng tảo nở hoa…

Nước đổi màu hồng tím vẫn an toàn

Như NNVN đã có nhiều tin bài liên quan đến tình trạng nước trong Đầm chứa nước trước Cống số 6, tại xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) bỗng đổi màu hồng tím, bốc mùi hôi thối, kèm mùi hóa chất nồng nặc, gây ô nhiễm nghiêm trọng khu vực này khiến nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu hoang mang.

Nước trong Đầm chứa nước trước Cống số 6 bỗng đổi màu hồng tím, bốc mùi hôi thối, kèm mùi hóa chất nồng nặc, gây ô nhiễm nghiêm trọng khu vực khiến nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu hoang mang. Ảnh: MS.

Ngay sau hiện tượng môi trường bất thường này xảy ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh BR-VT đã mời Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Môi trường và Tài Nguyên xuống khảo sát, lấy mẫu nước trong đầm chứa về kiểm tra, phân tích, để tìm hiểu nguyên nhân. Sau khi phân tích, Viện Sinh học nhiệt đới đã kết luận nước trong đầm chứa bị đổi màu hồng tím là do hiện tượng tảo nở hoa.

Theo kết quả phân tích của Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Môi trường và Tài Nguyên gởi cho cơ quan chức năng tỉnh BR-VT, hiện tượng nước chuyển màu hồng ở đầm chứa nước trước Cống số 6 là sự phát triển mạnh của tảo lục D.Salina, khiến cho mật độ tế bào tăng cao, đồng thời trong tế bào tích lũy một lượng lớn sắc tố B-carotene, sắc tố này có màu hồng đỏ làm cho nước trong đầm có màu hồng. Điều kiện môi trường thuận lợi cho D.Salina phát triển mạnh và tích lũy nhiều sắc tố – carotene, là độ mặn cao, ánh sáng mạnh và dinh dưỡng trong nước nhiều.

Đồng thời, nước màu hồng do tảo lục D.Salina không sinh ra độc tố, không gây ảnh hưởng cho sinh vật và con người, ngược lại loài tảo này có ích được các loài thủy sinh vật sử dụng như là một nguồn thức ăn. Tuy nhiên, do hàm lượng chất hữu cơ lơ lửng trong nước và tích lũy trong trầm tích ở điều kiện trao đổi nước kém, tù đọng lâu ngày làm cho các vi sinh vật kỵ khí hoạt động mạnh dẫn đến phát sinh các mùi khó chịu.

Kết quả phân tích mẫu nước thải của công ty Nghê Huỳnh vượt quy chuẩn hiện hành nhiều lần, UBND tỉnh BR-VT đã ra quyết định xử phạt công ty này. Ảnh: MS.

Trước đó, khi có kết quả phân tích mẫu nước thải của công ty Nghê Huỳnh vượt quy chuẩn hiện hành nhiều lần, UBND tỉnh BR-VT đã ra quyết định xử phạt công ty này với số tiền 372.000.000 đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng. Hiện lực lượng chức năng đã niêm phong công ty Nghê Huỳnh đề tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.

Những đề xuất táo bạo

Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá, Viện Sinh học nhiệt đới đã đưa ra một số phương án để cho cơ quan chức năng tỉnh BR-VT thực hiện. Cụ thể, màu sắc lạ của hồ do tảo lục D.Salina không ảnh hưởng gì lớn, nên giữ nguyên hiện trạng hồ hiện tại.

Nếu không muốn màu sắc hồng tím kỳ lạ này, có thể pha loãng nước muối trong hồ, tuy nhiên việc này có thể dẫn đến rủi ro nếu mưa xuống khiến mực nước dâng cao vượt ngưỡng an toàn của đầm buộc phải xả cống sẽ gây tổn thất cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong phạm vi dòng chảy đi qua, gây ô nhiễm hệ sinh thái sông.

Kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Sinh học nhiệt đới màu sắc hồng tím của hồ chứa nước do tảo lục D.Salina không ảnh hưởng gì lớn, nên giữ nguyên hiện trạng hồ hiện tại. Ảnh: AK.

Thêm một phương án khác, cần phải tạo môi trường trong đầm để giảm thiểu mùi hôi bằng cách tăng cường các biện pháp kiểm soát và quản lý các nguồn nước thải quanh đầm, đồng thời tăng cường quá trình trao đổi nước với bên ngoài. Có thể chỉ cho nước vào một chiều khi triều cường và đóng cống kịp thời khi triều rút. Các giải pháp dùng hóa chất CuSO4, Chlorine… chỉ là biện pháp tạm thời, khuyến cáo không nên dùng vì sẽ làm tổn hại đến hệ sinh thái cũng như môi trường thủy vực lân cận.

Hiện trạng nước trong Đầm chứa nước trước Cống số 6, tại xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (BR-VT) những ngày qua chuyển màu tím hồng. Ảnh: AK.

Các đơn vị cần thường xuyên theo dõi, quan trắc, nghiên cứu chất lượng nước đầm và các thủy vực lân cận nhằm hiểu rõ diễn biến quy luật hình thành màu hồng trong nước, sự thay đổi hàm lượng sắc tố B-carotene trong nước. Đặc biệt, cần nghiên cứu sâu hơn về khu hệ phiêu sinh vật và động vật đáy trong đầm để quản lý hiệu quả hệ sinh thái của đầm.

Đối với màu hồng do vi tảo lục D.salina, cũng cần nghiên cứu để hiểu rõ hơn quy luật phát triển, các điều kiện môi trường chi phối. Từ đó có giải pháp phù hợp để quy hoạch, sử dụng, khai thác đầm có “cảnh quan đặc biệt” phục vụ phát triển du lịch ở địa phương…

“Theo Viện Sinh học Nhiệt đới, cần nghiên cứu sâu hơn thành phần vi sinh vật đáy tham gia vào quá trình phân hủy xác bả vi tảo và chất ô nhiễm nói chung ở khu vực này nên nghiên cứu sâu về nuôi cấy thương mại loài tảo này để khai thác sắc tố B-carotene và glycerol làm thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, làm dược phẩm và thực phẩm chức năng”.