Đà Nẵng: Khỉ Sơn Trà đứt lìa chân, nguy cơ tái diễn tình trạng bẫy thú rừng

Hình ảnh cá thể khỉ mặt đỏ bị trúng bẫy, đứt lìa chân khiến nhiều người lo ngại tình trạng bẫy động vật hoang dã sẽ tái diễn ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).

Vẫn tồn tại tình trạng đặt bẫy ở Sơn Trà

Tuần qua, dư luận tại Đà Nẵng vô cùng phẫn nộ trước hình ảnh 1 cá thể khỉ mặt đỏ với bàn chân bị trúng bẫy kẹp trên bán đảo Sơn Trà. Theo thông tin từ tài khoản Facebook Thanh Ngọc Trúc đăng tải, bàn chân của cá thể khỉ này sau 1 tuần đã mưng mủ, hoại tử và đứt lìa sau khi lực lượng cứu hộ tiếp cận.

Chị Cao Thị Kim Tuyết – chủ tài khoản Facebook Thanh Ngọc Trúc – thành viên nhóm Chung tay cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Sơn Trà cho biết, nhóm nhận được thông tin cá thể khỉ mặt đỏ dính bẫy từ khách du lịch. Sau nhiều ngày tìm kiếm, nhóm cứu hộ đã tiếp cận được cá thể khỉ này và dùng nhiều biện pháp vây bắt, nhằm chữa trị vết thương.

“Sau 4 ngày phát hiện cá thể khỉ dính bẫy, nhóm đã xin ý kiến từ Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn và bác sĩ để dùng thuốc ngủ. Tuy nhiên, phương án này không thành công, vì cần tới 2 giờ để thuốc ngấm, khi đó cá thể này đã trở về rừng và không thể tìm được”, chị Tuyết cho biết.

Cũng theo chị Tuyết, từ vụ việc khỉ mặt đỏ bị dính bẫy, có thể thấy tình trạng đặt bẫy động vật hoang dã tại bán đảo Sơn Trà vẫn đang hiện hữu. “Việc cá thể khỉ này thoát ra khỏi vị trí đặt bẫy, là minh chứng cho việc Sơn Trà vẫn tồn tại nhiều bẫy thú rừng và cần được xử lý dứt điểm. Nếu cá thể khỉ này không thoát được, nhiều người sẽ không biết vấn nạn thực tế luôn tồn tại ở Sơn Trà là gì”, chị Tuyết nói.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, nhóm Cứu hộ đã giải cứu được 4 cá thể khỉ tại bán đảo Sơn Trà, gồm trường hợp bị thương ở vai đã đưa đi cứu chữa; một cá thể bị người dân bắt giữ làm thú nuôi; một trường hợp khỉ nuôi nhốt đã được thả tại núi Sơn Trà và cá thể vừa dính bẫy kẹp.

Nhiều hạn chế trong công tác cứu hộ

Ông Trần Thắng (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn) cho biết, tình trạng bẫy bắt động vật hoang dã tại bán đảo Sơn Trà vẫn còn. Mỗi tuần, đơn vị tổ chức 2-3 đợt tuần tra trong rừng để tháo gỡ, thu giữ các bẫy động vật.

“Về công tác cứu hộ động vật, Hạt Kiểm lâm còn gặp một số khó khăn do lực lượng mỏng, thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị. Đơn vị cũng không có cán bộ thú ý, nên công tác cứu hộ chỉ dừng ở mức sơ cứu và chuyển lên tuyến trên”, ông Thắng chia sẻ.

Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn sẽ triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ bán đảo Sơn Trà như đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo vệ động vật hoang dã và tăng cường tuần tra kiểm soát thường xuyên.

“Chúng tôi đã xây dựng phương án Giám sát và bảo tồn khỉ năm 2021 và được UBND quận Sơn Trà phê duyệt. Kế hoạch bao gồm việc đề xuất thuê các đơn vị chuyên nghiệp để có thể bắt những động vật bị thương hoặc có nguy cơ tấn công người về chữa trị, sau đó tái thả về rừng. Tuy nhiên, để chủ động hơn, mong rằng các ban, ngành thành phố sẽ quan tâm, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trang thiết bị, đặc biệt là súng bắn gây mê để thực hiện việc cứu hộ các cá thể khỉ”, ông Thắng cho biết thêm.

Theo ông Phan Minh Hải (Phó Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng), công tác kiểm soát người ra vào bán đảo Sơn Trà vẫn được thực hiện thường xuyên.

“Ban Quản lý sẽ phối hợp với lực lượng kiểm lâm để gắn các biển cảnh báo, lập các đội gác và tuyển thêm tình nguyện viên nhằm tuyên truyền, nhắc nhở người dân về những hành vi gây ảnh hưởng đến tập tính tự nhiên của động vật hoang dã”, ông Hải cho biết.