Tan hoang Hòn Thẻ

Hàng chục héc-ta đất rừng thuộc dãy núi Hòn Thẻ (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang ngày đêm bị các đối tượng khai thác trái phép với quy mô cực lớn, khung cảnh đồi núi tan hoang. Đáng nói, hoạt động này đã diễn ra một thời gian rất dài, thế nhưng khi được hỏi, chính quyền địa phương lại tỏ ra bất ngờ?!

Những mảng đồi bị cày xới, tàn phá nham nhở.

Nhộn nhịp như công trường

Dãy núi Hòn Thẻ nằm trên địa bàn 3 xã: Cam Hòa, Cam Hải Tây và Cam Hiệp Bắc (Cam Lâm). Mỗi ngày, có hàng nghìn mét khối đất, đá được khai thác trái phép và vận chuyển ra khỏi khu vực này. Địa điểm khai thác nằm trên địa bàn xã Cam Hòa. Để vào được vị trí khai thác, chúng tôi đi theo con đường đất nhỏ hẹp chỉ vừa chiếc xe tải 5 tấn lưu thông, dài chừng 3km. Đây là tuyến đường độc đạo nối từ vị trí khai thác băng qua nghĩa trang Cam Hải ra các tuyến đường liên thôn thuộc xã Cam Hải Tây trước khi lưu thông vào Quốc lộ 1 đến các công trình xây dựng.

Khu vực khai thác khoáng sản trái phép này có 2 lớp canh gác, báo hiệu khi có người lạ xâm nhập. Sau nhiều ngày tìm cách, chúng tôi mới tiếp cận được vị trí khai thác. Cách khu vực khai thác khoảng 100m đã nghe tiếng máy múc, máy nổ, máy cưa xẻ đá gầm rú vang động cả một vùng. Ghi nhận của phóng viên vào ngày 1-4, tại khu vực Đồng Xã 8 (thôn Lập Định 3, xã Cam Hòa), nơi đây như một đại công trường khai thác đất, đá. Những mảng núi bị khoét nham nhở, tạo khoảng sâu hoắm, chỉ một cơn mưa lớn là nguy cơ đổ sập phần ngọn đồi phía trên bất cứ lúc nào. Những tảng đá lớn nằm ngổn ngang đang chờ thợ đá cưa xẻ. 4 máy xúc cỡ lớn đang nổ rền vang, xúc từng gầu đất lên xe tải để vận chuyển ra ngoài. Hơn chục thợ đá người đục, người xẻ hì hục dưới cái nắng gay gắt để tạo ra những viên đá vận chuyển đi phục vụ xây dựng. Những chiếc xe tải 3,5 tấn được tạo một đường riêng, nối đuôi nhau xếp hàng chờ chở đất, đá. Một cảnh tượng huyên náo khiến chúng tôi phải sửng sốt.

Để có điện, các đối tượng còn đưa những máy phát điện cỡ lớn đặt nhiều vị trí khác nhau, sau đó kéo một hệ thống điện khắp khu vực tạo thuận lợi cho việc cưa, xẻ, đục đá. Những can xăng, dầu từ 20 lít trở lên nằm ngổn ngang, rải khắp khu vực. Không chỉ vậy, từng tốp thợ làm nhiều lán trại và tổ chức nấu nướng, ăn ngủ ngay tại khu vực khai thác. “Do vị trí này heo hút, xa trung tâm nên hàng ngày anh em cắt cử người đi mua thực phẩm để nấu ăn, nghỉ ngơi tại chỗ cho tiện. Khoảng 10 ngày, nửa tháng anh em mới thay nhau ra khỏi rừng về nhà. Một số thợ ở gần thì sáng đi xe vào, tối đi về”, một thợ đá tiết lộ.

Máy xúc hoạt động ngày đêm khai thác trái phép đất, đá tại khu vực núi Hòn Thẻ.

Cần bao nhiêu đất, đá cũng có

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực này có 4 người là chủ hầm mỏ khai thác khoáng sản trái phép. Trong vai những người đi tìm mua vật liệu xây dựng với khối lượng lớn, chúng tôi được người đàn ông tên Trị sau một hồi dò hỏi, cho hay: “Trong này, chủ yếu là đá, còn đất thì không có nhiều. Nhưng nếu các anh đặt cọc, báo trước thì chúng tôi sẽ huy động thêm nhân công, làm ngày đêm, mở rộng vùng khai thác để đáp ứng. Tôi làm không lớn, trong này có bà chị là “trùm” ở đây, các anh cần để tôi gọi chị ra nói chuyện”.

Ít phút sau, một phụ nữ chừng hơn 50 tuổi chạy xe tới, giới thiệu tên Thảo. Vừa gặp chúng tôi, người phụ nữ đon đả: “Các anh tìm đến đúng chỗ rồi đấy. Ở đây bây giờ đất, đá khan hiếm lắm, công an rồi cảnh sát môi trường cũng làm gắt nên khó nơi nào làm được. Nhưng chỉ cần đặt trước tiền, báo số lượng tôi sẽ huy động lực lượng cung cấp tới tận công trình cho các anh. Vật liệu xây dựng dạo này khan hiếm nên giá cả có phần hơi cao. Một xe đất 6 khối, chúng tôi chở tới nơi khoảng 400 đến 450 nghìn đồng, còn đá xây nhà là 12.000 đồng/viên, đá phục vụ công trình là 9.000 đồng/viên và đá loca (loại nhỏ dùng cấp phối công trình – PV) tính theo khối. Tuy nhiên, các anh làm công trình nhà nước phải tự lo hóa đơn, ở đây khai thác lậu nên không có hóa đơn, nếu chấp nhận thì mới làm việc”.

Để minh chứng cho lời mình nói, người phụ nữ này dẫn chúng tôi đi vòng quanh khu vực khai thác và khẳng định: “Mỏ gia đình tôi khai thác tại đây đã mấy năm nay. Hiện nay, đang mở rộng và khai thác lên cao. Cả khu vực khai thác này khoảng 10ha. Nhóm thợ phục vụ xẻ đá có gần 20 người được tôi nuôi ăn uống, trả tiền ngay sau khi làm ra sản phẩm. Nhà tôi hiện có gần 20 xe tải các loại chuyên chở đất, đá; mỗi ngày, mỏ của gia đình có thể đáp ứng được từ 1.000 đến 2.000 viên đá và mấy chục xe đất các loại. Nói chung, chỉ cần báo số lượng và thương thảo được giá thì bao nhiêu đất, đá chúng tôi cũng có”.

Nghe chúng tôi khen lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao mà khu vực này vẫn làm được, người phụ nữ tên Thảo buông câu chắc nịch: “Không có gì là tự nhiên mà có được!”

Đất sau khi được múc từ núi Hòn Thẻ được vận chuyển ra ngoài để bán cho các công trình xây dựng.

Chính quyền bất ngờ?!

Có thể khẳng định, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực núi Hòn Thẻ đã diễn ra trong suốt một thời gian dài. Thế nhưng, khi phóng viên gửi những hình ảnh từ hiện trường khai thác khoáng sản, ông Phan Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Cam Hòa lại tỏ ra bất ngờ về quy mô khai thác ở đây. Theo ông Minh, địa phương đã biết tình trạng khai thác tài nguyên trái phép và thực tế trong 2 năm qua, lực lượng chức năng đã xử lý một số trường hợp vi phạm. Trong năm 2020, xã đã ra quyết định xử phạt 4 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép (dưới 10m3), hay đầu năm 2021 đã xử lý 3 trường hợp vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc xuất xứ. “Tôi biết trên đó khai thác trái phép nhưng không nghĩ nó quy mô như vậy…, lại còn có lán trại, đường điện. Tôi hơi bất ngờ. Tôi sẽ cho kiểm tra lại”, ông Minh ngập ngừng thông tin.

Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây khẳng định, phần diện tích núi Hòn Thẻ do địa phương quản lý đã không còn tình trạng khai thác tài nguyên trái phép. Bởi địa phương vừa lập biên bản 2 hộ dân về việc cải tạo đất không đúng quy định. “Các hộ này cho thuê đất để các đối tượng khai thác đất, đá trái phép. Họ đã cam kết trả lại nguyên hiện trạng ban đầu và viết cam kết nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, dù chuyển khu vực khai thác, nhưng phần lớn các xe vận chuyển đất, đá lại chạy trên các tuyến đường giao thông nông thôn của xã Cam Hải Tây. Các xe chạy số lượng lớn, xe chở quá tải, xe chạy vận tốc cao, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường và hư hỏng đường.

Lán trại được dựng lên để đất, đá tặc ăn nghỉ ngay tại khu vực khai thác

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Hoàng Dơn – Trưởng Công an xã Cam Hòa phân trần, việc quản lý, xử lý các đối tượng khác thác khoáng sản trái phép tại núi Hòn Thẻ được lãnh đạo huyện, xã rất quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, địa phương đang tập trung cho công tác bầu cử, làm căn cước công dân cho người dân. Trong khi đó, xã Cam Hòa có địa bàn dài, rộng. Đặc biệt, các đối tượng này tìm kẽ hở của pháp luật để né tránh. Cụ thể, theo quy định, để xử lý được việc khai thác khoáng sản trái phép phải bắt được quả tang và khi thực thi công vụ phải mặc sắc phục. Vì vậy, khi tiếp cận thì các đối tượng đã báo tin cho nhau để dừng khai thác. “Đúng là chúng tôi chưa giải quyết được triệt để nạn khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn. Hiện nay, cũng chưa nắm được các chủ đất, chủ hầm khai thác để xử lý. Do nhiều chủ đất mua bán sang tay, có người không còn ở địa bàn nên cũng không thể mời lên làm việc được”, ông Dơn cho hay.

Có một thực tế, mỗi ngày hàng nghìn mét khối đất, đá được khai thác, vận chuyển trái phép ra khỏi núi Hòn Thẻ để bán cho các công trình xây dựng. Người dân nơi đây đặt một câu hỏi: Liệu có sự bảo kê nào không mà các đối tượng này lại coi thường pháp luật, khai thác công khai như vậy? Câu hỏi này, chúng tôi xin được gửi đến cơ quan chức năng của huyện Cam Lâm!