Bất cập trong quản lý và phát triển điện mặt trời

Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng đã góp phần bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, với tính không ổn định thì việc phát triển quá nhanh nguồn năng lượng tái tạo; trong đó có điện mặt trời cũng đang đặt ra bài toán cấp bách về thu mua, bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia… Bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu xung quanh nội dung này.

Đại biểu Y Khút Niê (Đoàn Đắc Lắk): Cần có giải pháp để tận dụng nguồn năng lượng mặt trời

Hiện nay, tại khu vực Tây Nguyên, nhiều nơi đã đầu tư điện mặt trời, thậm chí có những dự án rất lớn. Cụ thể như ở Đắk Lắk hiện có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân.

Phát triển điện mặt trời có thuận lợi là mấy năm qua được khuyến khích phát triển và tận dụng được nhiều khu vực mặt bằng đang bỏ trống mà không phải chiếm dụng đất của nông nghiệp. Mặt bằng này có thể là từ các mái nhà đã có sẵn hoặc tại khu vực trang trại chăn nuôi.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự phát triển này khá tràn lan, tự phát. Người dân thấy có lợi thì làm. Thực tế, về quản lý gần như chưa có quy hoạch về loại hình này.

Tại Đắk Lắk, có một số hộ dân đã làm điện mặt trời nhưng không bán được cho bên thu mua. Bởi vậy, Bộ Công Thương và Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát, xem xét lại việc này. Thế nhưng, những người đầu tư sau thì đang lâm vào cảnh “lỡ dở”

Theo tôi, phát triển năng lượng mặt trời là một giải pháp rất tốt và tận dụng tối đa ưu điểm của tự nhiên để tạo ra nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần khảo sát và đưa vào quy hoạch những vùng cụ thể để phát triển loại hình này và hình thức thu mua ra sao để định hướng cho người dân nếu muốn đầu tư.

Việt Nam đã từng trải qua thời kỳ khủng hoảng nguồn năng lượng. Thực tế hiện nguồn năng lượng chưa phải là thừa. Bài toán đặt ra là phải có kế hoạch sử dụng nguồn năng lượng đó sao cho phù hợp.

Hiện nay vẫn có những vùng khó khăn, thiếu điện, nhất là những khu vực phát triển công nghiệp lớn thì lại càng cần điện. Nếu giải quyết hài hòa các yếu tố thì chúng ta sẽ phát triển được nguồn năng lượng tự nhiên, năng lượng sạch; đồng thời lại phát huy được nguồn lực đầu tư trong dân… Do đó, Chính phủ cần tính toán để làm thế nào cho dân được lợi và cung cấp nguồn năng lượng cho quốc gia.

Một vấn đề quan trọng khác cũng được quan tâm đặc biệt là việc xử lý các tấm pin sau khi hết hạn sử dụng nhằm không gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng đã làm việc với một tập đoàn lớn nhất đang xây dựng và đưa vào hoạt động rất tốt trên địa bàn về vấn đề này. Doanh nghiệp cam kết hiện có hẳn quy trình tái tạo lại, không gây ảnh hưởng đến môi trường; có nhà máy với toàn bộ quy trình từ thu gom, tái chế, tái tạo lại… Điều này cũng giảm bớt gánh lo về môi trường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Rút kinh nghiệm trong quy hoạch mạng lưới, quy hoạch năng lượng

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chính sách phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà khuyến khích một ngành năng lượng sạch để khai thác, không sử dụng năng lượng hóa thạch. Như vậy, chính sách tốt sẽ thu hút được sự đầu tư của xã hội vào việc cung cấp năng lượng này. Tuy nhiên, việc chúng ta quản lý nguồn năng lượng đó vẫn để xảy ra một số tình trạng bất cập.

Theo đó, hiện nay chúng ta đang đầu tư quá công suất thiết kế dẫn tới nhiều cơ sở đầu tư nhưng không bán hết cho Nhà nước cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư.

Theo tôi, về vĩ mô, chúng ta cần rút kinh nghiệm trong việc quy hoạch mạng lưới, quy hoạch năng lượng, khi đặt ra chính sách thì phải tính đến tác động của chính sách như thế nào. Việc này tránh tình trạng sản xuất điện mặt trời mái nhà bán giá cao nên ồ ạt đầu tư nhưng không tính và lường trước được khả năng tiêu thụ, truyền tải, phân phối dẫn đến đình trệ ở một số khu vực.

Mặt khác, khi người dân tìm mọi biện pháp tận dụng tối đa chính sách này sử dụng diện tích đất không phải trồng trọt chuyển sang làm điện mặt trời thì cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý địa phương.

Các cơ quan này cần phải nắm được việc sử dụng đất đai có hợp lý hay không. Hiện Luật Đất đai quy định rõ việc sử dụng đất đai có mục đích, nếu không phải thu hồi.

Trong trường hợp xảy ra việc sản xuất nhưng không tiêu thụ hết thì phải xét về yêu cầu, chính sách. Tất cả đều phải ổn định; đã cam kết và ký hợp đồng với nhà sản xuất thực hiện trong bao lâu thì phải thực hiện đúng.

Nếu để đường truyền quá tải thì cơ quan Nhà nước cần xem xét dừng hợp đồng ký mới. Các hợp đồng trước cần đàm phán lại để những người sản xuất không bị thiệt hại, tìm thêm nguồn lợi, đặc biệt giúp ngăn chặn thiệt hại của nền kinh tế.

Hiện tổng sản lượng điện phát từ các nguồn điện năng lượng tái tạo năm 2021 dự kiến đạt 23,4 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 8,9% tổng sản lượng điện phát và nhập khẩu của toàn hệ thống. Trong khi đó, năm 2020, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc là 10,6 tỷ kWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.

So sánh số liệu cho thấy, cơ cấu tỷ lệ nguồn phát trong năm 2021 đã có sự thay đổi rất nhiều. Năm 2021, lượng điện phát của năng lượng tái tạo cũng như tỷ trọng trong cơ cấu nguồn sẽ tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2020. Việc tăng trưởng phụ tải điện chậm lại, trong khi điện mặt trời bùng nổ đang gây bất cập lớn.